image banner
  Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5   
Thống kê truy cập
  • Đang online: 42
  • Hôm nay: 1,648
  • Trong tuần: 16,003
  • Tất cả: 3,580,397
Giải pháp nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp THPT môn Lịch Sử
Lượt xem: 1219
Giải pháp nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp THPT  môn Lịch Sử của trường THPT Quách Văn Phẩm

BÁO CÁO THAM LUẬN

GIẢI PHÁP NÂNG CAO ĐIỂM TRUNG BÌNH TỐT NGHIỆP THPT MÔN LỊCH SỬ

 

I. Đội ngũ nhà giáo, lớp, học sinh

a) Về đội ngũ giáo viên: Số lượng: 38. Tuổi nghề (cao nhất, thấp nhất): 33; Trình độ (đạt chuẩn, trên chuẩn): 5

b) Về lớp, học sinh:

+ Khối 10: 235 học sinh; + Khối 11: 217 học sinh; + Khối 12: 188 học sinh.

- Số học sinh đăng kí dự thi THPT quốc gia năm 2023 để xét tốt nghiệp và xét

tuyển vào Đại học, Cao đẳng: 188 học sinh.

II. Những giải pháp và kết quả đạt được

1) Giải pháp:

Lịch sử là môn học quan trọng đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, giúp các em xác định được nhiệm vụ hiện tại, có thái độ đúng với sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, thực trạng học sinh không hứng thú với môn lịch sử trong cả nước nói chung và ở trường THPT Quách Văn Phẩm nói riêng dẫn đến việc học sinh không nắm được kiến thức cơ bản nhất là đối với chương trình ôn thi THPT là một vấn đề đối với giáo viên giảng dạy môn lịch sử nói chung. Điều đó dẫn đến tỉ lệ và điểm trung bình môn lịch sử của trường những năm đầu còn thấp so với tỉnh và cả nước.

Trong những năm đầu ôn thi THPT bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm, kết quả ôn luyện còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, xuất phát từ thực tiễn đó, yêu cầu bản thân phải thay đổi và tìm hiểu và vận dụng nhiều phương pháp ôn luyện để cải thiện kết quả và nâng cao chất lượng ôn thi THPT tại trường nói chung, tạo sự hứng thú trong ôn luyện cho học sinh, góp phần nâng cao tỉ lệ môn lịch sử của tỉnh nhà. Từ những lí do đó, bản thân tôi đã rút ra được một số biện pháp nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp THPT tại trường THPT Quách Văn Phẩm.

a. Phân loại, ôn luyện theo đối tượng học sinh

          Khi mới bắt đầu ôn luyện những năm đầu tiên, tôi thường ôn luyện đại trà chung cho cả lớp thì đến những năm gần đây tôi đã tiến hành phân loại học sinh trong quá trình giảng dạy và ôn luyện nhằm đưa ra được những biện pháp giảng dạy và ôn tập phù hợp cho từng đối tượng học sinh. Việc phát hiện và phân loại học sinh là rất cần thiết, ở mỗi lớp tôi thường phân loại theo hai đối tượng học sinh. Sau khi dạy chương trình vài tuần tôi cho học sinh làm bài tập trắc nghiệm cộng với trong quá trình giảng dạy mình sẽ phát hiện được những học sinh hiểu và chưa hiểu bài để phân loại học sinh.

          Đối với học sinh đại trà: Gồm những học sinh có kết quả điểm trung bình và thấp, tôi sẽ dạy cho các em những kiến thức cơ bản, sự kiện cơ bản, cho đề luyện ở mức độ trung bình, khuyến khích học sinh học tập bằng những phần thưởng mang tính khích lệ tinh thần, tạo cho học sinh sự thoải mái trong học tập, giúp các em có nghị lực để nổ lực vươn lên. Ở đối tượng này, tôi thường nói chuyện với các em, trong mỗi tiết học tôi thường xen lẫn những câu chuyện về các tấm gương học sinh tiến bộ trong học tập, động viên các em có niềm tin thay đổi bản thân. Trong quá trình ôn luyện tôi áp dụng cách dạy riêng. Trong mỗi giờ học, tôi thường để ý và gọi các em lên bảng làm bài nhiều hơn, gợi ý đáp án để các em tự sửa sai, thường khuyến khích cho điểm cộng các em nhiều hơn để tạo hứng thú cho các em trong các giờ học.

          Đối với đối tượng học sinh khá giỏi: đây là đối tượng học sinh cần cù, chịu khó, ham học, có trí nhớ tốt, khả năng nắm bắt kiến thức nhanh. Đối với đối tượng này, tôi khuyến khích khả năng tự học, tự tìm hiểu thêm tài liệu, giao bài tập và bài học nhiều hơn, phát huy tối đa khả năng phát huy và xử lí kiến thức thầy cô truyền đạt. Tôi thường xuyên gửi đề với mức độ nhiều câu vận dụng cho các em thực hành từ đó nâng cao tính tư duy cho đối tượng học sinh này nhằm đạt kết quả điểm cao hơn trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

          Để nâng cao được điểm trung bình ở mỗi đối tượng học sinh tôi sẽ thiết kế đề ôn luyện khác nhau. Ở đối tượng học sinh khá, giỏi tôi sẽ thiết kế đề với số lượng câu hỏi ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao nhiều hơn đối tượng còn lại. Điều đó giúp tôi phát hiện và bồi dưỡng những đối tượng có thể đạt được điểm cao nhằm nâng cao điểm trung bình. Đối tượng còn lại tôi sẽ dạy từ những nội dung cơ bản sao đó nâng đề lên từng bước một để các em không bị áp lực và có tâm lí thoải mái, hứng thú đối với môn học.

b. Lập niên biểu các sự kiện lịch sử

          Lập niên biểu các sự kiện lịch sử là bước khởi đầu cung cấp cho HS nguồn sử liệu cơ bản từ lịch sử thế giới đến lịch sử Việt Nam. Ôn tập theo phương pháp này giúp học sinh nắm các sự kiện theo hệ thống. Từ đó, giúp các em nắm kiến thức cơ bản của toàn bộ chương trình để vận dụng làm bài tập. Biện pháp này được thực hiện theo các bước:

- Bước 1: Sau mỗi bài học hay mỗi chương, hệ thống hóa bằng một niên biểu các sự kiện hoặc khuyết thời gian, hoặc khuyết tên sự kiện, yêu cầu hoàn thành.

- Bước 2: Khi các em đã có kỹ năng lập niên biểu các sự kiện, trước khi dạy bài mới tôi yêu cầu học sinh đọc sách giáo khoa trước ở nhà và lập niên biểu bài học. Qua đó các em có cái nhìn toàn cảnh về nội dung của bài học. Đây cũng chính là tài liệu ôn tập nhanh do các em tạo ra, là cẩm nang để các em ôn tập.

Bên cạnh đó, giáo viên cần giúp học sinh xác định, liên hệ những sự kiện lớn của thế giới có tác động trực tiếp đến lịch sử Việt Nam ở cùng thời kì. Ví dụ các em biết được những thắng lợi của quân Đồng minh từ cuối năm 1944 đến giữa tháng 8/1945 sẽ hiểu rõ tác động của những thắng lợi đó đối với Cách mạng Việt Nam (điều kiện khách quan góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945) ...

c. Ôn tập bằng hệ thống biểu đồ, đồ thị, sơ đồ tư duy

          Phương pháp này được tôi áp dụng dạy nội dung tiến trình cách mạng hoặc tổng hợp cả một giai đoạn lịch sử, quá trình tư tưởng nhận thức của lãnh tụ. Phương pháp này giúp học sinh hứng thú, sáng tạo trong chiếm lĩnh kiến thức, hiểu bài, nhớ bài nhanh và hiểu sâu kiến thức. Bên cạnh đó còn giúp học sinh thấy được ý nghĩa các sự kiện, giúp các em có một cách trình bày mới, nhẹ nhàng.

Ví dụ: vẽ đồ thị tóm lược bước phát triển tư tưởng cách mạng, nhận thức của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến năm 1930.

- Bước 1: tôi yêu cầu HS nêu các sự kiện tiêu biểu, đánh dấu sự nhận thức cách mạng của Bác, xác định ý nghĩa nổi bậc nhất của các sự kiện.

- Bước 2: Yêu cầu vẽ biểu đồ dựa trên các sự kiện tiêu biểu với cột đứng là bước phát triển, ghi sự kiện xác định, cột nằm là mốc thời gian; nối giữa thời gian và sự kiện là ý nghĩa nổi bậc của sự kiện đó.

- Bước 3: cho học sinh nhận xét, đánh giá về bước phát triển vượt bậc về tư tưởng chính trị và tổ chức đi tới thành lập Đảng Cộng sản của Nguyễn Ái Quốc.

Cùng với biện pháp ôn luyện nêu trên, tôi còn sử dụng giải pháp ôn tập bằng sơ đồ tư duy. Giải pháp ôn luyện này giúp học sinh hứng thú học tập, tăng khả năng tự học, chuẩn bị bài trước ở nhà. Khi đến lớp các em có thể trình bày cách làm của mình một cách tự tin và đầy hứng thú.

d. Sử dụng một số phần mềm trực tuyến giao bài tập cho học sinh

          Trên cơ sở nhóm trực tuyến đã lập theo tài khoản Zalo ở các lớp, tôi đã sử dụng ứng dụng Google biểu mẫu để giao bài tập sau khi dạy xong từng chương.  Gửi bài tập vào sau đó gửi đường link cho các em thực hành tại nhà. Để phân hóa học sinh, giáo viên có thể tạo nhiều dạng đề khác nhau theo năng lực của học sinh sau đó gửi tới từng nhóm zalo riêng của mỗi nhóm mà GV đã tạo trước đó. Giải pháp này giúp học sinh có tinh thần say mê, hứng thú trong học tập, rèn luyện tinh thần tự học. Kết hợp với các giải pháp ôn luyện khác đã tạo nên hệ thống các giải pháp ôn luyện hiệu quả, kết quả ôn luyện tích cực hơn hẳn so với những năm học chưa áp dụng.

e. Tiến hành cho học sinh luyện đề thường xuyên

Luyện đề thường xuyên sẽ mang lại những hiệu quả sau:

- Quen với mô hình đề.

- Tập cách phản xạ đối với những câu khó.

- Canh được thời gian và phân chia thời gian làm bài một cách khoa học.

- Kiểm tra lượng kiến thức của mình.

- Nhớ bài lâu hơn.

          Trong thời gian ôn thi THPT, đặc biệt là trong giai đoạn ôn cấp tốc từ đầu tháng 6, tôi thường xen kẽ ôn tập kiến thức cho học sinh và cho học sinh thực hành nhiều đề theo nhiều mức độ khác nhau. Tôi thường sưu tầm những câu hỏi theo bốn mức độ nhận thức trong tài liệu ôn luyện khác nhau sau đó tập hợp thành nhiều dạng đề khác nhau cho học sinh thực hành. Tôi thiết kế phiếu trả lời trắc nghiệm cho học sinh và thông qua nó để theo dõi kết quả luyện đề của học sinh. từ đó bản thân sẽ biết và nắm được khả năng của từng học sinh, đưa ra những giải pháp phù hợp để nâng cao điểm trung bình môn cho từng học sinh.

2) Kết quả đạt được:

      Môn

ĐTB của trường

So sánh của tỉnh

So sánh cả nước

2022

2023

2022

2023

2022

2023

Lịch sử

6.78

6.42

0.5

0.33

0.44

0.39

3) Đánh giá chung

Với việc áp dụng những biện pháp đã trình bày nêu trên, bản thân tôi trong quá trình giảng dạy và ôn thi những năm gần đây đã thu được kết quả khả quan, tích cực, giờ dạy và ôn tập rất ít học sinh không chú ý, làm việc riêng. Các kĩ năng nhận dạng và phân tích đề của học sinh được nâng cao rõ rệt, số lượng học sinh tham gia xây dựng bài tăng, đặc biệt đối với các em có điểm thấp ở đầu năm học. Từ đó, tỉ lệ bộ môn lịch sử của trường đạt và vượt điểm trung bình của tỉnh và cả nước.

Tuy nhiên những giải pháp mà tôi áp dụng cũng còn hạn chế chủ yếu là bản thân chưa thật sự có một giải pháp phù hợp cho đối tượng học sinh rất yếu, tuy có nhiều cố gắng để rèn luyện bộ phận học sinh yếu kém nhưng do ý thức của học sinh và kiến thức môn lịch sử nặng về sự kiện nên điểm trung bình của bộ phận học sinh này còn thấp so với tỉnh và cả nước.    

III. Giải pháp thực hiện thi THPT năm 2024 và những năm tiếp theo

          Bản thân sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp mà bản thân đã áp dụng hiệu quả trong năm 2022 – 2023. Tuy nhiên, cần tuỳ thuộc vào đối tượng học sinh mà giáo viên giảng dạy môn lịch sử có thể áp dụng những giải pháp phù hợp.

          Bên cạnh đó, bản thân nhận thấy có thể áp dụng thêm một số giải pháp mới trong năm 2024 và những năm tiếp theo như sau:

          + Cập nhật đề minh hoạ của Bộ kịp thời và nhanh chóng soạn và sưu tầm những bộ đề bám sát đề minh hoạ cho học sinh luyện, chú ý mức độ theo từng đối tượng.

          + Đối với học sinh yếu, kém có điểm trung bình chưa cao, bản thân sẽ khích lệ, động viên, tạo động lực cố gắng từ sớm để các em đạt được thành tích cao hơn.

          + Soạn hệ thống những từ khoá ngắn gọn giúp học sinh dễ ghi nhớ nhất là học sinh yếu, kém để nâng điểm trung bình cho đối tượng học sinh này.

          + Tạo tâm lí thoải mái cho học sinh trong quá trình ôn luyện, tìm cách tạo cho học sinh sự chủ động học tập chứ không vì ép buộc, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm giúp các em xác định đúng con đường, định hướng tương lai để các em lấy nó làm động lực phấn đấu trong ôn luyện.

IV. Đề xuất, kiến nghị

          - Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo: cần tổ chức nhiều hơn các hội thảo chuyên môn để giáo viên có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao trình độ chuyên môn nhất là chương trình giáo dục mới.

          - Đối với Nhà trường: Cần tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt chuyên môn cấp trường để giáo viên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của các môn học tại trường./.

                                                                                                         (Đơn vị: Trường THPT Quách Văn Phẩm)

Tác giả: Lê Hoàng Dự
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image