image banner
  Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5   
Thống kê truy cập
  • Đang online: 21
  • Hôm nay: 1,777
  • Trong tuần: 1,777
  • Tất cả: 3,392,282
GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG DẠY HỌC VÀ KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ
Lượt xem: 142
Chuyển đổi số trong dạy học góp phần nâng cao và đảm bảo chất lượng giáo dục

GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI SỐ

TRONG DẠY HỌC VÀ KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ

 

I. MỞ ĐẦU

1. “Chuyển đối số” là gì?

 “Chuyển đối số” (CĐS) được hiểu là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

2. CĐS trong lĩnh vực giáo dục đào tạo

CĐS trong GDĐT tập trung vào hai nội dung chủ đạo là CĐS trong quản lý giáo dục và CĐS trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá (KTĐG), nghiên cứu khoa học. Trong quản lý giáo dục, bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu,...) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành GDĐT một cách nhanh chóng, chính xác. Trong dạy học, KTĐG, CĐS gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường học ảo.

Như vậy, CĐS được xác định là một phương thức, một công cụ trong quản lý giáo dục cũng như trong dạy học. Việc CĐS vừa tạo ra môi trường vận hành giáo dục, vừa thay đổi cách quản trị cơ sở giáo dục, vừa thay đổi phương thức dạy học, vừa thay đổi kỹ thuật và công nghệ dạy học.

Hiện tại, CĐS trong giáo dục được ứng dụng dưới 3 hình thức chính là: ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy: lớp học thông minh, lập trình… vào việc giảng dạy; ứng dụng công nghệ trong quản lý: công cụ vận hành, quản lý; ứng dụng công nghệ trong lớp học: công cụ giảng dạy, KTĐG.

3. Sự cần thiết phải CĐS trong dạy học và kiểm tra đánh giá

CĐS trong dạy học đã tạo nên bước ngoặt vô cùng mạnh mẽ và to lớn, giúp xây dựng được nhiều phương pháp giảng dạy và học tập, KTĐG thông minh, tiện lợi. 

Trước tiên, những CĐS trong dạy học đã cho thấy mỗi người học tập chủ động và tự giác hơn, cụ thể: Giúp mỗi người có thể tự quản lý và sắp xếp thời gian học tập phù hợp với bản thân. Việc học tập có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, với các thiết bị học tập tiện lợi phù hợp. Tiếp cận đa dạng các nguồn tài liệu, sách vở học tập. Giúp tiết kiệm thời gian trong việc tìm kiếm tài liệu học tập phù hợp. Tìm kiếm thông tin nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Việc CĐS trong dạy học góp phần nâng cao và đảm bảo chất lượng giáo dục, cụ thể: Công nghệ số hiện đại sẽ đảm bảo lưu trữ thông tin từ cơ bản đến nâng cao, các phần mềm chuyển đổi cũng sẽ hỗ trợ theo dõi các hoạt động giảng dạy. Các nền tảng Blockchain, điện toán đám mây,... sẽ hỗ trợ quản lý và lưu trữ hồ sơ, thông tin học sinh, giáo viên rõ ràng, minh bạch. Giúp người học tiết kiệm thời gian và chi phí cho học tập; Tối ưu các chi phí cho việc in ấn truyền thống.

Sự phát triển của công nghệ cùng sự bùng nổ của Internet đã giúp người học có thể tìm kiếm và tiếp cận nhiều thông tin đa dạng khác nhau phục vụ cho việc học. Mọi thông tin tìm được cũng đều có thể thực hiện xác minh để đảm bảo không bị sai lệch.

Không bị giới hạn tương tác như cách truyền thống, áp dụng công nghệ CĐS trong trường học sẽ giúp học sinh cũng như giáo viên có thể tương tác với những người khác dễ dàng. Sự tương tác có thể được mở rộng với những người ở các nơi khác nhau.

CĐS tạo ra sự đa dạng về hình thức KTĐG, tạo hiệu quả tích cực để các em phấn đầu và hoàn thiện bản thân.

II. THỰC TRẠNG CĐS TRONG DẠY HỌC VÀ KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ

1. Kết quả đã đạt được

CĐS đã góp phần thúc đẩy hoạt động “học tập suốt đời” cùng hoạt động chia sẻ tài liệu trực tuyến: bài giảng điện tử, luận văn, câu hỏi trắc nghiệm… từ người dạy có chuyên môn.

Việc giảng dạy được lồng ghép công nghệ Steam, giúp học sinh có thể giải quyết được các bài toán khó cũng như khám phá nhiều hiện tượng trong cuộc sống trực quan nhất.

Thông qua việc CĐS, các trường sẽ kịp thời nắm bắt các thông tin, cập nhật kiến thức, điều chỉnh nội dung, chương trình, dự báo các ngành nghề mới theo xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất phù hợp với sự phát triển của đời sống xã hội.

2. Khó khăn, bất cập của CĐS trong dạy học và kiểm tra đánh giá

Thứ nhất, quá trình tiếp cận về kiến thức trực tuyến ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn do hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ thông tin chưa được đảm bảo.

Thứ hai, chưa có sự kiểm soát sát sao và toàn diện về học liệu số. Để đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu của người học, cần kho tài liệu số chuẩn xác. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cũng như tài chính nước ta vẫn chưa thể đáp ứng được công việc này. Vì vậy, hiện đang xảy ra rất nhiều tình trạng về học liệu số tràn lan, thiếu tính xác thực và không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như nội dung. Từ đó, gây ra tình trạng không đồng nhất về kiến thức và tạo nên nhiều hệ lụy khác như tiêu hao tài chính, tốn thời gian.

Thứ ba, một số CBQL và GV chưa nhận thức và đánh giá đúng tầm quan trọng của CĐS. Quá trình CĐS diễn ra chậm, chưa làm thay đổi rõ rệt các yếu tố dạy học và sự tương tác của chúng.

Thứ tư, một số CBQL và GV chưa khai thác hiệu quả của phần mềm dạy học và KTĐG, chưa xây dựng nguồn học liệu số đa dạng, chưa xây dựng cũng như mạnh dạn áp dụng các công cụ dạy học và KTĐG trực tuyến do trở ngại về năng lực sử dụng CNTT và các rào cản quy định về KTĐG.

III. GIẢI PHÁP CHUYỂN SỐ TRONG DẠY HỌC VÀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ

1. Xây dựng hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ

Hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ phải được đổi mới, đặc biệt là khu vực có kết nối kém giúp thu hẹp được khoảng cách vùng miền. Tăng cường kết hợp công nghệ như Big data, Al, Blockchain… với cơ sở dữ liệu số chuyên ngành nhằm xây dựng các hệ thống thu thập thông tin đưa ra các dự báo, dự đoán và tạo ra các ứng dụng, dịch vụ phù hợp đến từng đối tượng người học.

2. Hoàn thiện về hệ thống pháp lý và ứng dụng các phần mềm quản lý, hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong giáo dục

Hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp lý đóng vai trò quan trọng trong quản lý giáo dục cũng như đảm bảo quyền lợi cho người học. Theo đó, phải thống nhất các quy định về: khai thác và chia sẻ dữ liệu; hình thức trong giảng dạy; quản lý hiệu quả khóa học trực tuyến; điều kiện mở trường học. CĐS trong giáo dục thực hiện bằng cách ứng dụng phần mềm quản lý chính là giải pháp được nhiều cơ sở áp dụng hiện nay. Các phần mềm được tích hợp các tính năng vượt trội sẽ mang đến giải pháp quản lý trường học hiệu quả, giúp phát triển các khóa học trực tuyến góp phần phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên hỗ trợ dạy học tại những nơi khó khăn.

Chú trọng về triển khai hệ thống để chia sẻ dữ liệu đồng bộ trong giáo dục, từng bước chuyển đổi những tài liệu giấy qua văn bản điện tử để giúp thuận tiện hơn trong công tác quản lý. Thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học); hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, liên kết với quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. Triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, giáo viên giảng viên, học sinh sinh viên, phát triển các khóa học trực tuyến mở; triển khai hệ thống học tập trực tuyến dùng chung toàn ngành phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ dạy học cho các vùng khó khăn.

3. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc CĐS trong dạy học và KTĐG

Cần thực hiện nâng cao nhận thức, phổ cập tư tưởng cho từng giáo viên, cán bộ quản lý của nhà trường để nắm được tầm quan trọng của CĐS và cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục. Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho toàn thể giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường để hướng đến mục tiêu thực hiện thành công CĐS trong giáo dục. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu CĐS.

4. Làm thay đổi các yếu tố dạy học và sự tương tác giữa chúng khi thực hiện CĐS

Trong CĐS, mục tiêu dạy học được bổ sung thêm, và được thay đổi cách thức đạt đến một số mục tiêu một cách hiệu quả hơn: vấn đề giáo dục công dân toàn cầu; vấn đề phân hóa dạy học đến cấp độ cá nhân, dạy học và phát triển năng lực sát với trình độ từng người học. Việc ứng dụng CNTT trong dạy học ngày nay cho phép người thầy có cơ hội phát triển tiềm năng tối đa cho mỗi học sinh, cho phép có thể phân hóa dạy học ở cấp độ cá nhân.

Làm phong phú nội dung dạy học, nó không chỉ là kiến thức, kinh nghiệm, cách thức hành động cần truyền đạt cho người học, mà giáo viên còn có thể sử dụng nội dung từ các đồng nghiệp trong và ngoài nước; Các bài giảng, kinh nghiệm, sáng kiến giảng dạy được số hóa và chia sẻ trong cộng đồng giáo viên. Tất cả kho dữ liệu này, sau khi được số hóa, người thầy sẽ có các nội dung để tham khảo, có các nguồn tư liệu để học sinh tự học.

Thay đổi cách thức thực hiện, không gian triển khai được mở rộng hơn, thay đổi toàn bộ công nghệ dạy học và kỹ thuật dạy học. Giờ học, kể cả lý thuyết, thực hành,…

Thay đổi mối quan hệ giữa thầy trò trong môi trường dạy học số. Về bản chất, đây vẫn là quá trình tổ chức hoạt động nhận thức. Thầy vẫn là người tổ chức, dẫn dắt. Song, do nội dung và môi trường dạy học được mở rộng, thầy phải đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị. việc học cũng trở nên không có giới hạn và phụ thuộc vào chính sự độc lập và năng lực của mỗi học sinh. Tri thức không còn là cái đích số một nữa và cũng không phải mục tiêu số một của nhà trường. Khi cần biết vấn đề gì, các em có thể tra cứu. Mục tiêu học tập cũng sẽ có sự điều chỉnh. Đó là học phương pháp, cách thức làm việc, học cách tư duy và sáng tạo, học cách thích ứng và cách ứng xử trong xã hội.

Làm phong phú thêm phương pháp và hình thức KTĐG, được mở rộng phạm vi không gian và thời gian. Các phần mềm KTĐG khá phong phú, có thể hỗ trợ cho thầy cô giáo trong các công đoạn dạy học, giảm bớt áp lực về thời gian và công sức lao động của giáo viên.

5. Xây dựng học liệu số dùng cho việc tự học có hướng dẫn

Học liệu số đa dạng và tương tác giúp học sinh tự tìm hiểu và tiến bộ trong việc học tập. Dưới đây là các loại học liệu số có thể xây dựng để hỗ trợ việc tự học có hướng dẫn:

- Tài liệu đọc: Xây dựng các tài liệu học tập chất lượng và dễ hiểu về các chủ đề cụ thể. Sử dụng định dạng PDF, ebook hoặc bài viết trên trang web để hỗ trợ việc đọc và tìm kiếm thông tin.

- Video bài giảng: Tạo các video bài giảng chất lượng với nội dung rõ ràng và phù hợp với nội dung học tập. Sử dụng kỹ thuật trình chiếu, giọng nói sinh động và hình ảnh minh họa để giữ sự chú ý của học sinh.

- Bài giảng điện tử có tương tác: Xây dựng các bài giảng điện tử tương tác giúp học sinh tham gia và thử thách kiến thức. Sử dụng câu hỏi trắc nghiệm, bài tập thảo luận, hoạt động để tạo tính tương tác cho bài giảng.

- Các bài kiểm tra trực tuyến được tạo ra để đánh giá kiến thức của học sinh sau khi hoàn thành các bài học. Sử dụng câu hỏi trắc nghiệm, tự luận và bài tập thực hành để đánh giá đa dạng kỹ năng của học sinh.

6. Nâng cao năng lực sử dụng một số phần mềm trong tổ chức hoạt động dạy học và giáo dục trên lớp học

6.1. Sử dụng công cụ để tạo bài giảng điện tử

Giáo viên biết cách sử dụng các công cụ đa phương tiện để tạo bài trình chiếu tương tác, thẩm mỹ và dễ hiểu đối với người học để tạo lập câu đố, cuộc thi trả lời câu hỏi và trắc nghiệm trực tuyến. Giáo viên cần hiểu biết và sử dụng thành thạo các ứng dụng phần mềm liên quan dạy học và KTĐG. Các phần mềm dạy học trực tuyến đã được ứng dụng như Phần mềm dạy học trực tuyến Trans của Công ty Nam Việt Telecom; Phần mềm dạy học online của Facebook, K12online; Phần mềm dạy học từ xa qua Zoom Cloud Meetings; Dạy học online qua Google Classroom của Google; Phần mềm Microsoft Teams hỗ trợ dạy học trực tuyến; Phần mềm dạy học online miễn phí Team-Link,… Về công nghệ dạy học, cũng có một số phần mềm hỗ trợ giáo viên trong tổ chức dạy học như công nghệ thực tế ảo VR, công nghệ AR; Công nghệ mô phỏng 3D. Trong rất nhiều nội dung dạy học, chúng ta không thể dùng lời, tranh ảnh để mô tả như mô tả diễnbiến một vụ động đất, hoặc phun trào của núi lửa, mô tả mối quan hệ giữa các hành tinh trong hệ mặt trời, lực hấp dẫn,… Những thí nghiệm hóa, vật lý… chỉ có thể sử dụng phần mềm thực tế ảo để xây dựng và đưa học sinh vào trong thực tế đó để các em cảm nhận, trải nghiệm. Những phần mềm này cũng được ứng dụng khá phổ biến trong đào tạo nghề hiện nay. Công nghệ thực tế ảo được cho là sẽ giúp việc dạy học hấp dẫn, sinh động và hiệu quả hơn trong tương lai.

6.2.  Sử dụng các website và mạng xã hội để xây dựng mạng lưới học tập cá nhân (Personal Learning Networks - PLNs)

Giáo viên sẽ kết nối và khám phá nội dung mới thông qua việc sử dụng các website và mạng xã hội để tạo PLNs. GV có thể ứng dụng blog, diễn đàn và mạng xã hội để tạo không gian tương tác với sự tham gia tích cực của học sinh. Sử dụng chức năng đánh dấu cộng đồng (social bookmark) để lưu trữ, quản lý, tìm kiếm, sắp xếp và chia sẻ tài nguyên số trong lớp học. Cuối cùng, giáo viên sử dụng các ứng dụng blog/Website như Wordpress để tạo lập hồ sơ cá nhân chuyên nghiệp.

6.3. Sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin trên Internet

Năng lực sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin trên Internet là một khía cạnh quan trọng trong việc xây dựng học liệu số hiệu quả. Nhờ vào việc khai thác đúng các công cụ tìm kiếm và biết cách sử dụng chúng một cách hiệu quả, giáo viên có thể tạo ra các tài liệu số đa dạng và chất lượng cao phục vụ cho quá trình giảng dạy và học tập.

Giáo viên cần nắm vững các công cụ tìm kiếm phổ biến như Google, Bing, Yahoo, và các công cụ tìm kiếm chuyên dụng khác như Google Scholar (dành cho nghiên cứu khoa học), YouTube (cho tìm kiếm video), SlideShare (dành cho tìm kiếm slide bài giảng),...từ đó lựa chọn công cụ phù hợp với mục tiêu tìm kiếm và nhu cầu học liệu cụ thể.

6.4. Sử dụng các hệ thống LMS để tổ chức dạy học trực tuyến

Tạo và quản lý lớp học trực tuyến: Giáo viên có năng lực tạo các lớp học trực tuyến trên LMS và cung cấp thông tin cụ thể về khóa học như tên khóa học, lịch trình, tài liệu, yêu cầu và mục tiêu học tập. Tạo và quản lý nội dung học tập: Giáo viên có khả năng tạo và quản lý các tài liệu học tập trên LMS, bao gồm bài giảng, bài tập, tài liệu tham khảo, bài kiểm tra và đánh giá.

Giáo viên có thể sử dụng LMS để tạo ra các tùy chọn tương tác giữa giáo viên và học sinh, bao gồm diễn đàn trao đổi thông tin, thảo luận trực tuyến, chat, và email để theo dõi tiến độ học tập, xem kết quả kiểm tra, quá trình hoàn thành bài tập và tham gia vào thảo luận, cung cấp phản hồi và đánh giá.

7. Xây dựng công cụ và tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh

Xây dựng công cụ và tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh là một bước quan trọng để giáo viên đo lường hiệu quả và tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập. Dưới đây là một số phương pháp và công cụ để thực hiện việc này:

Các bài kiểm tra trực tuyến: Sử dụng các công cụ trực tuyến như Google Forms hoặc Azota để tạo các bài kiểm tra trực tuyến. Các bài kiểm tra này có thể bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm, điền vào chỗ trống, hay bài tập tự luận. Khi học sinh hoàn thành bài kiểm tra, kết quả sẽ tự động được ghi nhận và giáo viên có thể dễ dàng xem điểm số và phản hồi.

Bài tập đánh giá bằng video: Yêu cầu học sinh thực hiện các bài tập, dự án hoặc trình bày qua video. Giáo viên có thể sử dụng các nền tảng như Google Classroom hoặc Flipgrid để học sinh tải lên video của họ. Điều này giúp giáo viên đánh giá kỹ năng giao tiếp, trình bày và kiến thức của học sinh.

Thiết kế bài tập theo hình thức trò chơi: Sử dụng các trò chơi học tập số như Kahoot, Quizizz để tạo các bài tập có tính tương tác cao. Học sinh có thể tham gia vào trò chơi và thể hiện kiến thức của mình một cách vui nhộn và thú vị.

Bảng điểm trực tuyến: Sử dụng hệ thống bảng điểm trực tuyến trong Google Sheets hoặc Microsoft Excel để theo dõi tiến độ học tập của học sinh. Bảng điểm này có thể chia thành các mục tiêu học tập và các tiêu chí đánh giá, giúp giáo viên và học sinh nắm rõ được điểm mạnh và điểm yếu trong quá trình học tập.

Phản hồi và hội thoại trực tuyến: Sử dụng email, tin nhắn hoặc diễn đàn trực tuyến để cung cấp phản hồi cho học sinh về tiến độ học tập và kết quả bài tập. Hội thoại trực tuyến giúp giáo viên và học sinh giữ liên lạc một cách thuận tiện và nhanh chóng.

IV. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT

1. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo

Sau thời gian triển khai CĐS trong dạy học và KTĐG, Bộ GD&ĐT chưa có đề tài nào nghiên cứu, đánh giá hiệu quả dạy học, giáo dục cũng như hiệu quả kinh tế, xã hội của dạy học số. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần có những nghiên cứu toàn diện nhằm khẳng định hiệu quả của chúng cũng như việc triển khai dạy học trong tương lai.

2. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo

Để CĐS trong dạy học và KTĐG thành công, cần có môi trường dạy học số; hệ thống quản lý số như: chính sách, văn bản quy định, hướng dẫn triển khai dạy học cho cơ sở và sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ; đẩy mạnh việc số hóa các tài liệu, bài giảng, các hồ sơ dạy học như áp dụng bản điện tử 100% đối với sổ liên lạc, giáo án, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ chủ nhiệm…

Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý của ngành, của mỗi cơ sở giáo dục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ chuyên viên, kỹ năng, công cụ sử dụng cho học sinh, phụ huynh và các bên liên quan.

Khuyến khích các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh ứng dụng CĐS để thực hiện đa dạng các mô hình day học và hình thức KTĐG.

3. Đối với các trường THPT

Vận động các nguồn lực để trang bị cơ sở vật chất đồng bộ, từ máy chủ, đến hệ thống máy tiếp nhận, máy tính phục vụ cho giáo viên và học sinh.

Giaó viên cần kiểm soát việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và định hướng các em sử dụng hiệu quả trong học tập.

Nhà trường nghiên cứu và tập huấn giáo viên sử dụng các phần mềm tương thích với hệ thống đã có, các kho dữ liệu đang lưu.

                                                                                (ThS. Võ Thanh Toàn - GV THPT Hồ Thị Kỷ, TP.Cà Mau)

 

Tác giả: Lê Hoàng Dự
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image