image banner
  Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5   
Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 1,615
  • Trong tuần: 1,615
  • Tất cả: 3,392,120
THIẾT KẾ BỘ CÂU HỎI ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP TRONG CÁC MÔN HỌC CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG
Lượt xem: 107
Phương pháp đánh giá năng lực nghề nghiệp thông qua việc biên soạn câu hỏi môn học trong chương trình giáo dục phổ thông

THIẾT KẾ BỘ CÂU HỎI ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP TRONG CÁC MÔN HỌC CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã xác định Giáo dục hướng nghiệp là một những nội dung giáo dục hết sức quan trọng nhằm trang bị kiến thức, hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh, từ đó giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích, quan niệm về giá trị của bản thân, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình và phù hợp với nhu cầu của xã hội. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông được thực hiện thường xuyên và liên tục, được thực hiện thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, và tập trung vào các năm học cuối trong chương trình. Đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện và phân luồng học sinh. Để làm được điều này, đòi hỏi giáo viên phải tổ chức các hoạt động dạy học và đánh giá sao tiến trình phát triển năng lực được tích lũy trong từng môn học tiệm cận đến năng lực nghề nghiệp tương lai. Trong giới hạn của bài tham luận này, chúng tôi sẽ trình bày một vài yêu cầu trong việc biên soạn câu hỏi trong các môn học đang được tổ chức giảng dạy trong nhà trường cũng như đề xuất cách thức tiến hành giúp các em học sinh có thể tự phát hiện ra những năng lực chung, năng lực chuyên biệt của bản thân thông qua việc học tập hằng ngày,

 

1. GIỚI THIỆU

Việc lựa chọn ngành học và nghề nghiệp là một quyết định quan trọng đối với học sinh trung học, ảnh hưởng đến tương lai và nghề nghiệp sau này của các em. Quá trình ra quyết định này bị ảnh hưởng bởi sự tương tác phức tạp của nhiều yếu tố, cả nội tại và bên ngoài. Việc hiểu các yếu tố này rất quan trọng đối với giáo viên, nhà trường và phụ huynh để hỗ trợ học sinh trong việc đưa ra các quyết định sáng suốt và phù hợp. Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc lựa chọn nghề nghiệp phụ thuộc cơ bản vào năm yếu tố dưới đây

Thứ nhất, yếu tố cá nhân và tâm lý. Các yếu tố nội tại đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành các lựa chọn nghề nghiệp và học thuật. Sở thích cá nhân, năng khiếu bẩm sinh và đặc điểm tính cách là nền tảng giúp hướng học sinh đến những con đường nghề nghiệp nhất định. Ví dụ, học sinh có năng khiếu tính toán và yêu thích toán học thường quan tâm và theo đuổi các ngành nghề liên quan đến kỹ thuật và công nghệ (Chapman, 1981). Hơn nữa, các yếu tố tâm lý như lòng tự trọng, khả năng thích nghi và động lực cá nhân có thể quyết định khả năng của học sinh trong việc theo đuổi các ngành học và nghề nghiệp mong muốn (Borchert, 2002).

Thứ hai, hoàn cảnh kinh tế - xã hội. Hoàn cảnh kinh tế - xã hội của gia đình có ảnh hưởng đáng kể đến các lựa chọn ngành học và nghề nghiệp của học sinh. Học sinh đến từ gia đình có điều kiện kinh tế tốt thường có thể tiếp cận nhiều nguồn lực giáo dục, hoạt động ngoại khóa và sự tư vấn hướng nghiệp, có thể giúp các em lựa chọn nghề nghiệp theo xu thế của thị trường lao động và có thu nhập cao. Ngược lại, học sinh từ gia đình có điều kiện kinh tế thấp có thể lựa chọn các ngành học đảm bảo cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, đôi khi phải hy sinh sở thích thực sự của mình (Tran & Cao, 2009).

Thứ ba, kỳ vọng văn hóa và xã hội. Các chuẩn mực văn hóa và kỳ vọng xã hội có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các lựa chọn nghề nghiệp. Trong nhiều nền văn hóa, các nghề như y khoa, kỹ thuật và luật được coi trọng cao và thường được các gia đình thúc đẩy là các lựa chọn nghề nghiệp ưu tiên cho con cái họ. Những áp lực xã hội này có thể khiến học sinh chọn những nghề phù hợp với giá trị xã hội hơn là sở thích hoặc năng khiếu cá nhân (Ogowewo, 2010).

Thứ tư, môi trường và nguồn lực giáo dục. Chất lượng giáo dục và nguồn lực có sẵn trong nhà trường cũng ảnh hưởng đến các lựa chọn nghề nghiệp. Các trường có chương trình tư vấn nghề nghiệp toàn diện, lựa chọn môn học đa dạng và tiếp xúc với nhiều lộ trình nghề nghiệp có thể ảnh hưởng đáng kể đến quyết định nghề nghiệp của học sinh. Ví dụ, học sinh tham gia các chương trình STEM mạnh có thể có xu hướng theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (Ngô, 2023).

Thứ năm, ảnh hưởng của gia đình và bạn bè. Ảnh hưởng của gia đình và bạn bè rất quan trọng. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình thường định hình kỳ vọng giáo dục và có ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định nghề nghiệp của con cái. Nhóm bạn cũng đóng vai trò, vì học sinh thường xem xét ý kiến và lựa chọn của bạn bè khi đưa ra quyết định về tương lai của mình (Bromley, 2004).

Quá trình lựa chọn nghề nghiệp và ngành học của học sinh khá phức tạp và bị ảnh hưởng bởi sự tương tác của các yếu tố cá nhân, tâm lý, xã hội và môi trường. Để hỗ trợ hiệu quả cho học sinh, giáo viên và nhà trường cần xem xét các yếu tố đa dạng này và cung cấp thông tin cần thiết, cho phép học sinh khám phá sở thích và khả năng thực sự của mình. Chương trình hướng nghiệp nếu muốn cải thiện, cần có sự tham gia của phụ huynh và xã hội. Việc cải tiến chương trình giáo dục nói chung và giáo dục hướng nghiệp nói riêng cần phù hợp và đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh. Từ đó, có thể giúp các em đưa ra các lựa chọn thông minh, phù hợp với sở thích và đam mê cá nhân, cũng như thị trường lao động.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhấn mạnh hoạt động giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, tập trung ở các môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, các môn học ở cấp trung học phổ thông và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cùng với Nội dung giáo dục của địa phương. Chính vì thế, bên cạnh các yếu tố cơ bản trên, công tác giảng dạy các môn học ở nhà trường có tác động trực tiếp và gián tiếp đến việc hình thành năng lực và phẩm chất năng lực của người học, các năng lực và phẩm chất được tích luỹ trong quá trình học tập ở nhà trường phổ thông sẽ góp phần không nhỏ vào việc hình thành năng lực và phẩm chất nghề nghiệp ở bậc học cao hơn. Tuy nhiên, từ trước cho đến nay, chưa có phương pháp cụ thể nào để có thể đánh giá ban đầu về từng năng lực chuyên biệt đáp ứng với các năng lực nghề nghiệp trong tương lai của các em. Vì thế, trong phạm vi của bài tham luận này, chúng tôi đề xuất phương pháp đánh giá năng lực nghề nghiệp thông qua việc biên soạn câu hỏi môn học trong chương trình giáo dục phổ thông

 

2. NỘI DUNG

2.1. Các nguyên tắc thiết kế bộ câu hỏi định hướng nghề nghiệp

  • Tính thực tiễn: Phù hợp với từng đối tượng mục tiêu, trình độ học vấn, năng lực và đặc điểm tâm lý của đối tượng mục tiêu và điều kiện thực tế của học sinh. Sử dụng các phương pháp đo lường đa dạng như trắc nghiệm, câu hỏi mở, phỏng vấn để thu thập thông tin một cách chính xác và đầy đủ. Kết quả thu thập được từ bộ câu hỏi cần có giá trị thực tiễn cao, giúp cá nhân xác định được hướng đi phù hợp cho bản thân. Cung cấp cho người tham gia những thông tin hữu ích về các ngành nghề phù hợp với năng lực tương ứng của họ. Bên cạnh đó tiết kiệm chi phí và thời gian.
  • Tính khoa học: Dựa trên các lý luận khoa học, các lý thuyết tâm lý học, giáo dục học, Thị trường lao động và định hướng nghề nghiệp. Luôn có độ tin cậy thử nghiệm trên một mẫu đại diện đủ lớn để đảm bảo độ tin cậy và tính khách quan. Đồng thời phù hợp với điều kiện nhu cầu từng vùng miền.
  • Tính khách quan: Không nghiêng về một ngành nghề hoặc lĩnh vực nào. Sử dụng ngôn ngữ trung lập đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với trình độ của đối tượng mục tiêu. Đảm bảo tính bảo mật thông tin mật một cách an toàn và không được sử dụng cho bất kỳ cho mục đích nào khác ngoài việc định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra phải đảm bảo tính công bằng cho tất cả các đối tượng.

- Tính đa dạng và logic: Thông qua các câu hỏi về nhiều khía cạnh liên quan đến định hướng nghề nghiệp cập nhật thường xuyên nội dung bộ câu hỏi theo thị trường lao động và xu hướng phát triển của xã hội. Sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm có nhiều lựa chọn để người tham gia có thể lựa chọn đáp án phù hợp nhất với bản thân. Đồng thời xây dựng các bài đánh giá năng lực để giúp người tham gia xác định được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.

- Tính minh bạch rõ ràng:  Cần thử nghiệm bộ câu hỏi trên một số đối tượng để đảm bảo rằng họ có thể hiểu rõ ý nghĩa của các câu hỏi và hoàn thành trắc nghiệm một cách dễ dàng, Sử dụng các ký hiệu, ngôn ngữ phù hợp với học sinh để giúp người đọc hiểu rõ hơn.

 

2.2. Phân loại các nhóm nghề nghiệp và năng lực tương ứng

Việc phân loại các nhóm nghề nghiệp và năng lực tương ứng đóng một vai trò cốt lõi trong việc thiết kế bộ câu hỏi định hướng nghề nghiệp. Đầu tiên, việc này giúp giáo viên hiểu rõ được các phân ngành chính và các kỹ năng mà mỗi ngành yêu cầu, từ đó giúp chuẩn bị nguồn lực và chương trình giảng dạy phù hợp. Các nhóm nghề nghiệp thường được phân chia theo các lĩnh vực chính như khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, và nhân văn, mỗi lĩnh vực yêu cầu một bộ năng lực đặc thù. Tiếp theo, từ việc phân loại này, giáo viên có thể xác định các năng lực chính mà học sinh cần phát triển, ví dụ như năng lực phân tích, tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, và kỹ năng quản lý. Mỗi nhóm nghề nghiệp có những yêu cầu năng lực khác nhau, đòi hỏi phải có một cách tiếp cận riêng biệt trong giáo dục và đào tạo.

Việc phân loại này không chỉ hỗ trợ việc lập kế hoạch giáo dục mà còn giúp học sinh hiểu được yêu cầu của từng nghề nghiệp, từ đó có thể tự đánh giá và định hướng nghề nghiệp tương lai của mình một cách hiệu quả. Học sinh nên được khuyến khích phát triển các năng lực này ngay từ giai đoạn đầu phổ thông, giúp các em chuẩn bị tốt hơn cho việc lựa chọn nghề nghiệp sau này. Cuối cùng, việc phân loại này còn hỗ trợ việc thiết kế các chương trình đào tạo và phát triển chuyên môn hóa, cho phép các trường học và các giáo viên xây dựng các khóa học và chương trình giáo dục phù hợp với xu hướng của thị trường lao động và nhu cầu xã hội, đảm bảo rằng học sinh có thể phát triển toàn diện các kỹ năng cần thiết.

 

Nhóm nghề nghiệp

Năng lực tương ứng

Môn học phổ thông liên quan

Nghề nghiệp liên quan

Khoa Học Tự Nhiên

Phân tích, quan sát, giải quyết vấn đề

Toán, Lý, Hóa, Sinh

Nhà khoa học, Nhà nghiên cứu

Công Nghệ & Kỹ Thuật

Tư duy logic, thiết kế, tương tác công nghệ

Toán, Lý

Kỹ sư cơ khí, Kỹ sư điện, Kỹ sư xây dựng

Y Tế & Chăm Sóc Sức Khỏe

Kỹ năng giải quyết vấn đề, chú ý đến chi tiết

Toán, Sinh, Hóa

Bác sĩ, Y tá, Dược sĩ

Nhân Văn & Xã Hội

Giao tiếp, hiểu biết văn hóa, phân tích xã hội

Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Tiếng Anh

Nhà nghiên cứu xã hội, Nhà lịch sử, giáo viên (GV có GV khoa học tự nhiên-GV đòi hỏi nhiều về phẩm chất và kỹ năng sư phạm)

Quản Lý & Kinh Doanh

Quản lý, lãnh đạo, ra quyết định

Toán, Giáo dục công dân

Quản lý doanh nghiệp, Nhà quản lý dự án

Pháp Luật & Tư Pháp

Tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp

Giáo dục công dân, Văn, Sử, Địa, Tiếng Anh

Luật sư, Thẩm phán

 

2.3. Xác định yêu cầu cần đạt trong từng môn học ở trường phổ thông

Xác định yêu cầu cần đạt trong từng môn học là bước tiếp theo trong quá trình thiết kế bộ câu hỏi định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Mỗi môn học cung cấp một cơ sở kiến thức và kỹ năng khác nhau, đóng góp vào việc hình thành năng lực chung cần thiết cho sự phát triển nghề nghiệp của học sinh. Ví dụ, môn Toán phát triển kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề, trong khi môn Ngữ văn thúc đẩy khả năng suy nghĩ phản biện và kỹ năng giao tiếp.

- Khoa học Tự nhiên: Học sinh cần nắm được các kiến thức cơ bản về sinh học, vật lý, hóa học, và trái đất. Học sinh cần hiểu: được bản chất, ý nghĩa của các kiến thức khoa học tự nhiên; biết cách giải thích các hiện tượng tự nhiên. Cách vận dụng kiến thức khoa học tự nhiên vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Kỹ năng sáng tạo áp dụng kiến thức khoa học tự nhiên để giải quyết các vấn đề mới, phức tạp.

 - Khoa học xã hội: Học sinh cần nắm được các kiến thức cơ bản về kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân,. Học sinh cần hiểu: Bản chất, ý nghĩa của các kiến thức khoa học xã hội; biết cách giải thích các sự kiện lịch sử, địa lý, các hiện tượng xã hội. - Mức độ vận dụng: Biết cách vận dụng kiến thức khoa học xã hội vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. - Mức độ sáng tạo: Biết cách áp dụng kiến thức khoa học xã hội để giải quyết các vấn đề mới, phức tạp.

- Môn Ngữ văn: Học sinh cần nắm về tên các tác giả, tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam và thế giới. Học sinh hiểu: được nội dung, giá trị tư tưởng, nghệ thuật của các tác phẩm văn học. Cách vận dụng: Biết cách phân tích, bình luận tác phẩm văn học; sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong giao tiếp và viết. Kỹ năng sáng tạo: Biết cách sáng tạo ra những tác phẩm văn học có giá trị. Vẽ ảnh nghệ thuật các nhân vật để trình bày các bày thuyết trình hay báo cáo nhóm.

- Môn Toán: Học sinh cần nắm được các kiến thức cơ bản về số học, đại số, hình học, thống kê và xác suất. Học sinh  hiểu được bản chất, ý nghĩa của các kiến thức toán học; biết cách giải thích các khái niệm, định lý, công thức toán học. Bên cạnh đó có thể vận dụng linh hoạt kiến thức toán học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Ngoài ra còn sáng tạo: Biết cách áp dụng kiến thức toán học để giải quyết các vấn đề mới, phức tạp.

- Môn Giáo dục thể chất: Học sinh cần nắm được các kiến thức cơ bản về thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe và phải hiểu được bản chất, ý nghĩa của việc rèn luyện thể dục thể thao; biết cách rèn luyện sức khỏe một cách khoa học. Bên cạnh đó vận dụng: thực hiện các bài tập thể dục thể thao; biết cách rèn luyện sức khỏe phù hợp với bản thân.

Việc xác định rõ ràng các yêu cầu này cho phép các giáo viên thiết kế các bài giảng và hoạt động học tập nhằm mục tiêu cụ thể, đảm bảo rằng học sinh không chỉ học được kiến thức mà còn phát triển được các kỹ năng cần thiết. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh giáo dục ngày nay, nơi mà việc học không chỉ là nhận thức mà còn là ứng dụng thực tiễn.

Hơn nữa, xác định các yêu cầu này còn giúp liên kết chặt chẽ hơn giữa nội dung giảng dạy và yêu cầu của các nhóm nghề nghiệp đã được phân loại từ trước. Điều này tạo điều kiện cho việc thiết kế các bộ câu hỏi định hướng nghề nghiệp sao cho phù hợp với từng môn học, từng nhóm năng lực, và từng định hướng nghề nghiệp cụ thể.

Cuối cùng, việc này còn giúp giáo viên đánh giá và điều chỉnh phương pháp dạy học, đảm bảo rằng các yêu cầu giáo dục không chỉ phù hợp với mục tiêu đào tạo mà còn phản ánh đúng nhu cầu và xu hướng của xã hội, giúp học sinh có thể áp dụng kiến thức vào thực tiễn một cách hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

 

2.4. Xây dựng ma trận mối liên hệ yêu cầu cần đạt với các năng lực theo nghề nghiệp

Xây dựng ma trận mối liên hệ giữa các yêu cầu cần đạt trong từng môn học và các năng lực theo nghề nghiệp là bước thứ ba trong quá trình thiết kế bộ câu hỏi định hướng nghề nghiệp. Ma trận này là công cụ hữu ích để minh họa rõ ràng mối liên kết giữa giáo dục và thị trường lao động, giúp giáo viên và học sinh hiểu được mục tiêu cuối cùng của quá trình học tập là gì. Bằng cách này, học sinh có thể nhận thấy giá trị thực tế của những gì mà các em đang học trong từng môn học, làm thế nào những kỹ năng và kiến thức này sẽ ứng dụng vào công việc trong tương lai.

Ma trận này không chỉ liên kết nội dung học thuật với các kỹ năng cần thiết trên thị trường lao động mà còn cung cấp một khung hướng dẫn cho việc thiết kế các câu hỏi trắc nghiệm, đảm bảo rằng chúng phù hợp và hỗ trợ cho định hướng nghề nghiệp.  Bên cạnh đó, ma trận cũng hỗ trợ trong việc phát triển các chương trình giáo dục hướng nghiệp, giúp học sinh không chỉ nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân mà còn có thể lên kế hoạch phát triển cá nhân một cách hiệu quả. Điều này góp phần đảm bảo rằng học sinh có thể điều chỉnh kịp thời các lựa chọn nghề nghiệp dựa trên sự phù hợp giữa năng lực cá nhân và yêu cầu của ngành nghề.

 

2.5. Thiết kế ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trong từng môn học theo yêu cầu cần đạt

Thiết kế ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm theo yêu cầu cần đạt trong từng môn học là bước quan trọng tiếp theo. Các câu hỏi này cần được soạn thảo không chỉ để đánh giá kiến thức mà còn để đánh giá năng lực và kỹ năng của học sinh, liên quan trực tiếp đến các nhóm nghề nghiệp đã xác định. Việc thiết kế câu hỏi cần tính đến khả năng áp dụng kiến thức vào tình huống thực tế, giúp học sinh không chỉ nhớ kiến thức mà còn biết cách sử dụng chúng một cách hiệu quả.

Ngân hàng câu hỏi này cần được cập nhật liên tục để đảm bảo phản ánh đúng các thay đổi trong chương trình đào tạo và yêu cầu của các nhóm nghề nghiệp. Điều này bao gồm việc tích hợp các tình huống thực tế vào trong câu hỏi, từ đó giúp học sinh phát triển tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Việc thiết kế câu hỏi phù hợp không chỉ thúc đẩy học sinh học tập mà còn giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho tương lai nghề nghiệp.

 

2.5. Ứng dụng công nghệ thông tin để đề xuất sự phù hợp năng lực chuyên biệt của học sinh và năng lực nghề nghiệp phục vụ tư vấn hướng nghiệp

Việc cập nhật bộ câu hỏi lên hệ thống LMS của nhà trường đóng vai trò thiết yếu trong việc quản lý và phân phối nguồn lực giáo dục. Hệ thống LMS cho phép học sinh tiếp cận các nguồn tài nguyên học tập một cách linh hoạt, từ đó có thể tự học tập và thử sức với các bộ câu hỏi được thiết kế theo nhu cầu định hướng nghề nghiệp của mình. Hệ thống E-learning cần được cập nhật thường xuyên để đảm bảo các câu hỏi và nội dung giảng dạy phản ánh chính xác các yêu cầu mới nhất của giáo dục và thị trường lao động. Điều này bao gồm việc tích hợp các phản hồi từ giáo viên và học sinh, nhằm cải thiện chất lượng và độ chính xác của các câu hỏi trắc nghiệm. Cập nhật hệ thống LMS không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận với các công cụ học tập hiện đại, từ đó thúc đẩy sự phát triển kỹ năng và kiến thức một cách toàn diện.

Cho phép học sinh trả lời các câu hỏi trong quá trình dạy học là một phương pháp hiệu quả để đánh giá và củng cố kiến thức. Qua đó, giáo viên có thể theo dõi trực tiếp quá trình học tập của học sinh, đồng thời nhận định được khả năng và năng lực của từng học sinh. Việc này giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp, đồng thời cung cấp phản hồi kịp thời để học sinh có thể hiểu rõ hơn về các khái niệm và kỹ năng mà các em cần phát triển.

Ngoài ra, việc trả lời các câu hỏi trong môi trường học tập thực tế còn giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn, từ đó phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Điều này không chỉ củng cố kiến thức mà còn chuẩn bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp trong tương lai.

Dựa vào kết quả trả lời của học sinh, hệ thống có thể tự động phân tích và gợi ý các nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của từng học sinh. Việc này được thực hiện thông qua các thuật toán phân tích dữ liệu, giúp định hướng nghề nghiệp dựa trên thông tin đầu vào từ quá trình học tập và các câu trả lời của học sinh. Điều này không chỉ giúp học sinh nhận diện được nghề nghiệp phù hợp với bản thân mà còn giúp họ hiểu được những lĩnh vực nào cần được cải thiện để đạt được mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.

Hệ thống gợi ý này cung cấp một công cụ hữu ích để hỗ trợ học sinh trong quá trình định hướng nghề nghiệp, giúp họ lựa chọn con đường sự nghiệp phù hợp dựa trên cơ sở khoa học và khách quan. Đây là một phần quan trọng trong việc đảm bảo rằng mỗi học sinh có thể phát triển toàn diện, phù hợp với khả năng và mong muốn của bản thân, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của xã hội và thị trường lao động hiện đại.

 

3. KẾT LUẬN

Quá trình định hướng nghề nghiệp là quá trình phức tạp, phụ thuộc và giao thoa rất nhiều yếu tố từ tính cách cá nhân, hoàn cảnh gia đình, sự kì vọng xã hội, ảnh hưởng gia đình, bạn bè, môi trường giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã nhấn mạnh đến công tác hướng nghiệp trong đó đề cao việc đánh giá theo năng lực. Việc đánh giá theo năng lực mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực nếu chúng ta có thể đo lường mức độ năng lực và xác định sự phù hợp năng lực và phẩm chất học sinh với năng lực nghề nghiệp. Để làm được việc này, chúng ta cần phải phân loại được nhóm năng lực cho từng ngành nghề cụ thể kết hợp thiết lập ma trận mối liên hệ giữa các năng lực người học đạt được ở nhà trường phổ thông với nhóm năng lực nghề nghiệp. Kết quả học tập của người học thông qua việc xây dựng bộ câu hỏi có khả năng đánh giá được năng lực có thể gợi ý cho các em trong việc lựa chọn định hướng nghề nghiệp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng ngân hàng câu hỏi theo liên đới với năng lực nghề nghiệp kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin sẽ cho đề xuất tự động về nghề nghiệp của học sinh, giúp các em có thể định hướng tốt hơn về nghề nghiệp tương lai./.

                                                         ( Theo Huỳnh Anh Huy, Mai Phúc Thịnh, Lê Văn Nhương, Trương Ngọc Trinh: Đại học Cần Thơ)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Borchert, M. (2002). Career choice factors of high school students. University of  

Wisconsin-Stout, USA.

Bromley, H. K. (2004). Influences and motivations on which students base their choice of

career. Loughborough University, UK.

Chapman, D. W. (1981). A model of student college choice. Journal of Higher Education,

52(5), 490-505.

Ngô, T. T. (2023). Tổng quan nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát

triển định hướng giá trị nghề nghiệp của học sinh trung học phổ thông. Tạp chí Giáo dục. 23 (1), 35–39

Ogowewo, B. O. (2010). Factors influencing career choice among secondary school students:

Implications for career guidance. International Journal of Interdisciplinary Social Sciences: Annual Review, 5(2), 451-460.

Tran, V. Q., & Cao, H. T. (2009). Factors affecting the decision to choose a university of high

school students. Journal of Science and Technology Development, 15.

Tác giả: Lê Hoàng Dự
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image