image banner
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024)
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 1,171
  • Trong tuần: 29,224
  • Tất cả: 3,725,628
Đổi mới công tác dạy và học môn Giáo dục công dân, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị ở trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển theo Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư
Lượt xem: 544
Đổi mới công tác dạy và học môn Giáo dục công dân, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị ở trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển theo Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư

Theo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Trên tinh thần đó, trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển được giao sứ mệnh: đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước. Được thành lập từ năm 1992, hơn 30 năm qua, vườn ươm chuyên Phan Ngọc Hiển đã đáp ứng được sự mong mỏi của các cấp lãnh đạo, sự tin yêu của các thế hệ học sinh, các bậc phụ huynh và toàn xã hội.

Trong công tác giáo dục, nhà trường luôn hướng đến sự phát triển toàn diện cho học sinh. Các thế hệ học sinh của trường luôn được trang bị đầy đủ nhất về kiến thức và kĩ năng để khi rời ghế nhà trường, các em có sức khỏe dồi dào, có lí tưởng sống cao cả, có phẩm chất tốt đẹp, có ý thức trách nhiệm công dân cao để tự tin và sáng tạo trong các lĩnh vực ngành nghề mà các em lựa chọn.  Điều đó đã tạo nền tảng vững chắc cho sự hình thành những thế hệ trẻ “đội ngũ kế thừa vừa hồng vừa chuyên” trên cơ sở tiếp thu những tri thức khoa học, tinh hoa của nhân loại. Các em không chỉ thành nhân mà đã rất thành công trong cuộc sống. Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển đã góp phần đào tạo cho quê hương Cà Mau, cho đất nước một nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng. Quá trình này cần được chú trọng cả về kiến thức, năng lực, phẩm chất chính trị, lý tưởng cách mạng. Theo đó, đòi hỏi trong công tác giáo dục của nhà trường phải kết hợp hài hòa giữa dạy chữ và dạy người. Môn Giáo dục công dân (GDCD) đã góp phần tích cực vào giá trị chung đó.

 Ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các trường THPT tích cực đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, môn GDCD - nay là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật (GD KT& PL) đã cung cấp những hiểu biết cơ bản, cần thiết về chính trị, kinh tế, pháp luật, đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục những hiểu biết về văn hóa, xã hội … phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Các hoạt động mà trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển đã triển khai để thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư:

 

 

1. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Để thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chi bộ Đảng cùng BGH trường thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT trong thực hiện nhiệm vụ năm học đối với công tác giảng dạy môn GDCD nhằm giáo dục đạo đức, xây dựng ý thức pháp luật cho học sinh, bồi dưỡng lý luận chính trị cho giáo viên… Thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chỉ đạo Tổ Sử - Địa - GDCD cùng giáo viên dạy môn GDCD tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy bằng nhiều phương pháp, hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận chính trị cho học sinh. Bên cạnh đó trường cũng đẩy mạnh việc tích hợp giáo dục lý luận vào các môn học/hoạt động giáo dục thông qua các tiết sinh hoạt chào cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, hoạt động trải nghiệm, hoạt động Đoàn TN, hoạt động của các Câu lạc bộ. Tích hợp giáo dục kĩ năng sống, chú trọng hướng dẫn học sinh cách vận dụng, liên hệ kiến thức môn học với thực tế cuộc sống.

Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể CB,GV,NV thực hiện đúng theo chuẩn mực đạo đức nhà giáo, chuẩn nghề nghiệp. Trong các cuộc họp hội đồng sư phạm nhà trường đều có đánh giá nhận xét về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đối với CB,GV,NV và HS. Kịp thời chấn chỉnh những hành vi, biểu hiện lệch lạc, thiếu gương mẫu trong đội ngũ; đồng thời biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. 

Đội ngũ nhà giáo đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực tiếp cận với các phương tiện, công cụ hiện đại trong hoạt động dạy học; giáo viên đã kết hợp và sử dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật giảng dạy tích cực, bài giảng có sự liên hệ sát với thực tế ở địa phương và đảm bảo tính định hướng chính trị.

2. Kết quả thực hiện kết luận 94-KL/TW của Ban bí thư

a) Việc xây dựng và triển khai thực hiện kết luận 94-KL/TW của Ban bí thư

Chi bộ Đảng, Lãnh đạo trường đã chỉ đạo Công đoàn, Đoàn TN tuyên truyền về truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho CB,GV,NV và HS trong việc bảo vệ, giữ gìn truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, của đất nước, địa phương; giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc nhận thức rõ trách nhiệm của công dân với quê hương, đất nước.

Bên cạnh đó, trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển thường xuyên phối hợp với Đoàn thanh niên Công an thành phố Cà Mau, Đội đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 4, Cảnh sát biển Việt Nam để tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm, trật tự an toàn xã hội; tuyên truyền kiến thức về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; phối hợp với Công ty Nam Bình tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông, hướng dẫn lái xe an toàn cho CB,GV,NV và HS để nâng cao hiểu biết về luật giao thông, về quyền nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, từ đó góp phần nâng cao nhận thức chính trị và ý thức chấp hành pháp luật của CB,GV,NV và HS.

b) Công tác giảng dạy và học tập môn GDCD, Lịch sử, Địa lý, GD địa phương

Lãnh đạo trường chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch chuyên môn, tổ chức giảng dạy các môn học, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thông qua hoạt động chính khóa, ngoại khóa bằng nhiều hình thức, phương pháp phong phú, sinh động hấp dẫn, hiệu quả. Nhà trường đã thực hiện việc lồng ghép học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tích hợp tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”. Chú trọng việc giáo dục đạo đức, pháp luật, giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan khoa học của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin cho học sinh.

100% học sinh đã nắm được những kiến thức cơ bản về đạo đức và pháp luật, kinh tế, chính trị. Học sinh biết tôn trọng kỷ luật, biết giao tiếp ứng xử phù hợp, sống giản dị, đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, thực hiện tốt trật tự an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường, tích cực phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng được môi trường học an toàn và lành mạnh.

c) Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chi bộ nhà trường triển khai và quán triệt đội ngũ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/6/2016 của Bộ Chính trị về học tập các chuyên đề về: “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại các cuộc họp Chi bộ, họp Hội đồng sư phạm. Tăng cường chỉ đạo đội ngũ nhà giáo thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xác định rõ trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn, người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với thực tế.

d) Công tác giáo dục truyền thống

Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho CB,GV,NVvà HS dưới nhiều hình thức, phong phú về nội dung thông qua họp HĐSP, họp Chi bộ, chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chuyên đề, hoạt động thi đua chào mừng kỷ niệm các ngày Lễ của địa phương, đất nước; hoạt động trải nghiệm, viếng thăm các khu di tích lịnh sử đã giúp cho CB,GV,NV và HS hiểu biết thêm về truyền thống nhà trường, địa phương và đất nước.

e) Thực hiện chương trình giáo dục địa phương

Nhà trường thực hiện nghiêm túc nội dung giáo dục địa phương (theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Lồng ghép nội dung giáo dục địa phương vào các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, GD KT&PL để tăng cường hiểu biết của học sinh về chủ trương, chính sách pháp luật ở địa phương, truyền thống hào hùng vẻ vang của cha ông bao thế hệ đã dựng xây và phát triển quê hương Cà Mau giàu đẹp như ngày hôm nay, từ đó HS củng cố thêm tình yêu quê hương đất nước và xác định con đường học tập đúng đắn, ý thức trách nhiệm công dân.

3. Các biện pháp để nâng cao chất lượng học tập lí luận chính trị cho học sinh theo kết luận số 94-KL/TW (6 biện pháp)

a) Biện pháp xây dựng khung chương trình và kế hoạch dạy học phù hợp

Môn GDCD (Giáo dục KT&PL) hiện nay trong tư tưởng, suy nghĩ của nhiều GV và HS vẫn là môn phụ, không quan trọng. Do đó, để thay đổi nhận thức trên, khi xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học giáo viên cần cập nhật nội dung kiến thức mới, vận dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học linh hoạt, phù hợp nhằm thu hút học sinh tham gia tích cực vào quá trình học tập. Song song đó GV cần có sự đầu tư về thời gian, công sức, trí tuệ… để đảm bảo chương trình môn học, vừa đảm bảo giảng dạy được các nội dung tích hợp (tích hợp phòng chống tham nhũng, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức liêm chính, tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh) một cách nhịp nhàng và đảm bảo tính liên thông. Từ đó, đưa môn học GDCD đứng vào đúng vị trí, vai trò của mình trong hệ thống giáo dục phổ thông.

b) Biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học, kiểm tra, đánh giá môn GDCD - GD KT&PL

Đổi mới phương pháp dạy và học lý luận chính trị, đạo đức và giáo dục công dân ở các cấp học phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Phương pháp giảng dạy và học tập phải sinh động, gắn với thực tiễn, không máy móc, khô cứng; gắn với chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong quá trình giảng dạy môn GDCD giáo viên cần phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Các em học sinh có cơ hội để tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo vào quá trình khám phá và lĩnh hội nội dung bài học. Giáo viên cần sử dụng linh hoạt các phương pháp và kỹ thuật dạy học như: thảo luận nhóm, quan sát, phân tích các tranh ảnh, băng hình, tiểu phẩm, xử lí tình huống, nhận xét, phân tích, đánh giá các ý kiến, quan điểm, các hành vi, việc làm, các trường hợp điển hình, các thông tin, sự kiện, các hiện tượng trong đời sống thực tiễn có liên quan đến các chuẩn mực đạo đức và pháp luật đã học; sưu tầm, tìm hiểu các tranh ảnh, bài báo, các tư liệu có liên quan đến nội dung bài học và trình bày, giới thiệu sản phẩm sưu tầm được… Các hoạt động dạy học đã được giáo viên thiết kế đan xen nhau một cách hợp lí trong tiết học, để vừa bảo đảm thực hiện được mục tiêu bài học, vừa gây được hứng thú học tập cho học sinh.

Về đổi mới kiểm tra đánh giá: được tiến hành đồng thời với đổi mới phương pháp dạy học, hình thức kiểm tra đánh giá hướng tới đánh giá toàn diện học sinh, tạo điều kiện cho học sinh được tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Giáo viên kết hợp đánh giá kết quả học tập của học sinh qua các bài kiểm tra kết hợp với việc đánh giá ý thức, thái độ của học sinh trong các hoạt động tại nhà trường.

Tổ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, dự giờ giáo viên, tổ chức thao giảng, sinh hoạt chuyên môn theo nhóm bộ môn, cụm trường để trao đổi, học tập nâng cao chất lượng dạy học.

Các đơn vị trường học cần xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ giáo viên.Thường xuyên đầu tư về tài liệu, trang thiết bị dạy và học để đội ngũ giáo viên có thể vận dụng những phương pháp dạy học mới, tích cực theo hướng hiện đại, phù hợp với tình hình mới.

c) Biện pháp nâng cao chất lượng thực hiện chương trình Giáo dục địa phương

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CB,GV,NV và HS trong việc tìm hiểu nội dung giáo dục địa phương. Chỉ đạo tổ chuyên môn trong việc xây dựng, kiểm duyệt kế hoạch, hoạt động dạy học bộ môn; định kỳ đánh giá việc thực hiện nội dung giáo dục địa phương, đề ra giải pháp để nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục địa phương trong thời gian tiếp theo.

d) Biện pháp nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong đội ngũ CB,GV,NV dưới nhiều hình thức; quán triệt tốt việc thực hiện, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện của đảng viên, cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường, kịp thời phát hiện những cá nhân thực hiện tốt để biểu dương, khích lệ.

e) Biện pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống

Tiếp tục chủ động tham mưu chỉ đạo công tác tuyên truyền các sự kiện lịch sử của Đảng, của dân tộc, của địa phương nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn qua các hình thức như sinh hoạt Chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt hội đồng giáo dục; đăng tải bài viết, bài nghiên cứu về lịch sử trên các trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin của nhà trường. Xây dựng bổ sung kho tư liệu truyền thống, thường xuyên cung cấp tài liệu, sách lịch sử địa phương phục vụ công tác tuyên truyền; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thông qua các phong trào thi đua, phát huy tinh thần tự học, tự đọc, tự nghiên cứu tìm hiểu truyền thống của Đảng, của dân tộc; thường xuyên tổ chức các Cuộc thi tìm hiểu lịch sử truyền thống, khuyến khích động viên cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh tích cực hưởng ứng tham gia. Việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử, cần được vận dụng bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú nhằm thấm sâu vào cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng năm, Đoàn trường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp triển khai đến học sinh cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thông qua cuộc thi cung cấp cho các em thêm các kiến thức về lí luận chính trị và góp phần nâng cao nhận thức chính trị trong học sinh của nhà trường.

4. Đề xuất, kiến nghị

1) Cải tiến phương pháp giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục lí luận chính trong hệ thống giáo dục quốc dân nói riêng và các Nghị quyết của Đảng nói chung; hạn chế độc thoại, tăng cường trao đổi giữa giáo viện và học sinh, giữa báo cáo viên và học viên.

2) Các cấp quản lý cần có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên về lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

3) Đưa môn Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật tham gia thi chọn học sinh giỏi các cấp.

4) Kịp thời khen thưởng, nhân rộng các mô hình, các cá nhân điển hình tiên tiến trong việc học tập lý luận chính trị.

Trên đây là báo cáo tham luận Đổi mới công tác dạy và học môn Giáo dục công dân, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị ở trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển theo Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư.

                                                                          (Đỗ Công Phán - Giáo viên trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển)

Tác giả: Lê Hoàng Dự (biên tập)
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image