image banner
  Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5   
Thống kê truy cập
  • Đang online: 24
  • Hôm nay: 1,326
  • Trong tuần: 15,681
  • Tất cả: 3,580,075
THỰC TRẠNG CỦA GIÁO VIÊN MẦM NON TẠI ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH, ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO CHO VIỆC PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN MẦM NON
Lượt xem: 18519
Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Trong những năm qua đội ngũ Giáo viên mầm non của huyện Phú Tân đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhiều chế độ chính sách cho giáo dục mầm non được ban hành. Tuy nhiên giáo dục mầm non vẫn đang đối diện nhiều khó khăn và thách thức. Một bộ phận đội ngũ nhà giáo còn hạn chế về chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp đòi hỏi những giải pháp cơ bản để thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non.

Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Trong những năm qua đội ngũ Giáo viên mầm non của huyện nhà đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhiều chế độ chính sách cho giáo dục mầm non được ban hành. Tuy nhiên giáo dục mầm non vẫn đang đối diện nhiều khó khăn và thách thức. Một bộ phận đội ngũ nhà giáo còn hạn chế về chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp đòi hỏi những giải pháp cơ bản để thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non.

Thiếu giáo viên, giáo viên mầm non chịu cường độ làm việc căng thẳng nhưng chế độ đãi ngộ và thu nhập lại chưa tương xứng với công sức và áp lực nghề nghiệp,…

1. Thực trạng của giáo viên mầm non tại địa phương

Trong những năm qua giáo dục mầm non của huyện nhà đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là kết quả của việc phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi; mạng lưới trường lớp ngày càng được mở rộng; đội ngũ giáo viên tăng cả về số lượng và chất lượng… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giáo dục mầm non nói chung và đội ngũ giáo viên mầm non huyện Phú Tân nói riêng đang gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, tỷ lệ bình quân giáo viên/lớp của của huyện khá thấp so với các huyện lân cận. Điều đó dẫn tới áp lực công việc cao và quá tải về cường độ lao động cho giáo viên, nhân viên ở một số trường, đặc biệt là ở vùng khó khăn.

Tỷ lệ lớp mẫu giáo ở các điểm trường lẻ, điểm học nhờ còn khá cao, cụ thể: toàn huyện có 10 trường mẫu giáo với 3 điểm trường lẻ và 11 điểm học nhờ các trường Tiểu học, các điểm lẻ, điểm học nhờ có khoảng cách khá xa với điểm chính, đây cũng là nguyên nhân gây ra sự khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo cũng như bố trí, sắp xếp giáo viên.


Giáo dục mầm non được coi là bậc học còn nhiều khó khăn. Trường, lớp mầm non mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu; tình trạng thiếu phòng học khu đông dân cư (TT Cái Đôi Vàm).

Từ năm 2020 đến nay, trong điều kiện thực tế số trẻ đến trường mầm non tăng nhanh và số lượng giáo viên biên chế được giao còn thiếu nhiều so với quy định. Nếu tính định mức theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, tại thời điểm tháng 7/2021 huyện Phú Tân thiếu khoảng 14 biên chế giáo viên mầm non. Đội ngũ nhân viên nấu ăn chưa đáp ứng đủ nhu cầu để phục vụ hoạt động nuôi dưỡng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn toàn huyện.

Bên cạnh đó, đối với các trường có tổ chức cho trẻ ăn bán trú, ngoài việc chăm sóc giáo dục trẻ, cán bộ quản lý và giáo viên đều phải trực trưa để theo dõi trẻ trong giờ ngủ (140-150 phút/ngày). Theo Điều lệ trường mầm non, hoạt động chăm sóc giấc ngủ là một trong những nhiệm vụ của giáo viên, vì vậy địa phương không có cơ sở để huy động xã hội hóa trả tiền công cho việc trông trẻ buổi trưa. “Số giờ làm việc thực tế của GVMN tại các cơ sở giáo dục vượt quá nhiều so với quy định (làm việc từ 9 đến 10 giờ/ngày), vi phạm Luật Lao động, do sáng phải đến đón trẻ sớm và chiều muộn khi phụ huynh đón hết trẻ mới được ra về nhưng chưa được tính thêm làm ngoài giờ”. Việc quy định định mức giáo viên/nhóm, lớp tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 gây khó khăn cho công tác tham mưu và triển khai thực hiện ở địa phương do quy định định mức “tối đa” là 2,5 đối với nhà trẻ và 2,2 đối với mẫu giáo, nhưng lại không quy định định mức tối thiểu.

Đội ngũ giáo viên còn yếu về chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN nhất là ở một số năng lực nghề nghiệp: phát triển tư duy sáng tạo, tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ bản thân, kỹ năng tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo Chương trình GDMN mới. Một bộ phận chưa thực sự yên tâm gắn bó với nghề và có tình trạng GVMN bỏ nghề.

Chế độ, chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý CSGDMN vẫn còn những điểm chưa thật hợp lý, chưa tương xứng với công sức và áp lực nghề nghiệp; thiếu nhà công vụ chưa tạo được động lực để phát huy tiềm năng của đội ngũ này. Vướng về cơ chế tuyển dụng để khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên mặc dù đã được giao chỉ tiêu.

2. Các cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo cho việc phát triển đội ngũ giáo viên mầm non tại địa phương

Các giải pháp của địa phương hiện nay được vận dụng đa dạng, linh hoạt không mâu thuẫn với quy định, mở cơ chế cho cơ sở, huy động và sử dụng nguồn lực từ xã hội. Bên cạnh đó nhiều địa phương đã vận dụng các văn bản, quy định để có thêm chính sách cho giáo viên.

Rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp, thu hẹp điểm lẻ nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có.

Mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở GDMN công lập ở những nơi có điều kiện thuận lợi, thí điểm huy động kinh phí để thực hiện hợp đồng giáo viên nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên như hiện nay.

Tham mưu với các cấp tuyển dụng đủ biên chế được giao, không để tình trạng hợp đồng kéo dài dẫn tới giáo viên không yên tâm công tác.

Thu nhập của giáo viên mầm non thấp, thời gian làm việc dài, thậm chí 10 tiếng/ngày, giáo viên phải chú tâm tới trẻ, dẫn tới áp lực, giải tỏa áp lực cho giáo viên là việc cần thiết và phải làm. Giảm bớt hồ sơ sổ sách cho giáo viên mầm non được làm quyết liệt theo hướng thiết thực.

Tạo điều kiện cho mỗi giáo viên mầm non tự nâng cao kiến thức kỹ năng, phát triển chuyên môn và hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới ở bậc học. Bên cạnh đó, luôn chú trọng công tác thanh kiểm tra, hạn chế các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập không đủ điều kiện, kiên quyết cho dừng các nhóm không có giấy phép, đồng thời có các giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo. Luôn chỉ đạo các trường đảm bảo an toàn cho trẻ.

Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng công khai minh bạch.

3. Kiến nghị, đề xuất

Phát triển GDMN ngoài công lập huy động nguồn lực từ xã hội, chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước. Công tác thực hiện các chính sách về phát triển đội ngũ.

Cần sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về chế độ làm việc, định mực giáo viên/lớp của giáo viên mầm non; bổ sung quy định về chế độ làm thêm giờ, chế độ trực trưa đối với giáo viên mầm non, thời gian sinh hoạt chuyên môn của giáo viên mầm non; điều chỉnh lại hạng ngạch giáo viên mầm non phù hợp với Luật Giáo dục nhằm phát triển giáo dục mầm non trong thời gian tới.

4. Kết luận

 Thực tiễn cho thấy sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương là yếu tố quyết định thực hiện tốt việc phát triển GDMN. Những địa phương nào cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thì ở đó sự nghiệp phát triển GDMN sẽ có chuyển biến rõ rệt và đạt được kết quả tốt. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm cao và sự chỉ đạo đồng bộ quyết liệt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; Chủ động huy động các nguồn lực, các lực lượng xã hội tham gia, sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển GDMN. Ngành giáo dục, tích cực, chủ động trong tham mưu, phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phổ cập. Đặc biệt tham mưu ban hành các cơ chế chính sách; huy động các nguồn lực cho phổ cập; đội ngũ giáo viên mầm non tâm huyết, sáng tạo, vượt khó, tinh thông nghiệp vụ sẽ là lực lượng nòng cốt làm nên thành tích cho ngành. 

                                                                  (Bài tham luận Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân)

Tác giả: Lê Hoàng Dự