image banner
  Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5   
Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 2,906
  • Trong tuần: 17,261
  • Tất cả: 3,581,655
XÂY DỰNG LỐI SỐNG CÓ VĂN HÓA TRONG ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO TỪ GÓC NHÌN XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG Ở CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TỈNH CÀ MAU
Lượt xem: 419
Việc xây dựng lối sống có văn hóa trong đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách và lâu dài, từ đó có tác động tích cực đến chất lượng của hoạt động giáo dục cho mỗi nhà trường nói riêng và  phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo của địa phương nói chung.

 

"Giáo dục và đào tạo là chìa khóa mở cửa tiến vào tương lai" để đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên" đáp ứng yêu cầu xã hội ngày càng cao. Bởi lẽ, nhiệm vụ quan trọng của giáo dục là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe và thẩm mỹ. Và như vậy, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng đóng vai trò quan trọng xây dựng lối sống có văn hóa cho nguồn nhân lực của đất nước. Chính vì đặc thù như vậy nên hơn ai hết, đội ngũ giáo viên phải có lối sống văn hóa, tiến bộ và tốt đẹp. Thế nào là lối sống có văn hóa? Đó là lối sống theo đúng chuẩn mực xã hội từ phẩm chất đạo đức đến sinh hoạt cá nhân qua cách ăn, mặc, ở, đi lại; nói năng giao tiếp, ứng xử sao cho đúng lúc, đúng nơi, đúng chổ, đúng người, đúng việc... nhất là trong đội ngũ giáo viên. Bởi vì, lối sống có văn hóa của người giáo viên không chỉ là thước đo nhân cách, bản lĩnh nghề nghiệp để thực hiện sứ mệnh của nhà giáo dục mà còn trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo, góp phần tôn vinh hình ảnh của người thầy, cô giáo trong xã hội, từ đó có tác động tích cực đến chất lượng của hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, mặt trái kinh tế thị trường và những thách thức của xu thế toàn cầu, giao lưu hội nhập đã tác động đến lối sống và các chuẩn mực đạo đức, giá trị văn hóa của nhân dân nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng. Sự suy thoái về lối sống thể hiện trong cách ứng xử với đồng nghiệp, với học sinh và cả trong các mối quan hệ xã hội. Tất cả những điều này mặc dù ở một bộ phận nhỏ giáo viên trong thời gian qua cũng đã gây ra bất bình trong xã hội và dư luận lên án gay gắt. Bởi lẽ, vấn đề đó không chỉ làm giảm uy tín của ngành giáo dục, làm xấu đi hình ảnh của đội ngũ giáo viên mà còn mất đi lòng tin của nhân dân, giảm chất lượng giáo dục của tỉnh Cà Mau. Do đó, việc xây dựng lối sống có văn hóa trong đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách và lâu dài. Trong khuôn khổ bài báo, chúng tôi tập trung bàn về vấn đề xây dựng lối sống có văn hóa trong đội ngũ giáo viên tỉnh Cà Mau, một trong những thành tố quan trọng góp phần tôn vinh hình ảnh của nhà giáo trong xã hội, từ đó có tác động tích cực đến chất lượng của hoạt động giáo dục cho mỗi nhà trường nói riêng và  phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo của địa phương nói chung.

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Cà Mau hiện có gần 13 nghìn giáo viên các cấp. Trong trình độ chuyên môn của mỗi người có khác nhau từ trung cấp đến tiến sĩ và tuổi đời, tuổi nghề cũng vậy có người cũng sắp về hưu nhưng cũng có người đang chập chững bước vào nghề . Song trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ giáo viên nầy đã và đang ngày càng nỗ lực rèn luyện, hoàn thiện bản thân để cống hiến cho sự nghiệp lớn lao này. Nhìn chung, phần lớn đội ngũ thầy cô giáo tỉnh Cà Mau đều có ý thức phấn đấu xây dựng lối sống có văn hóa, do vậy mà trong thời gian qua đa số thầy cô, giáo đều có lối sống lành mạnh, trong sạch và tiến bộ nhiều mặt. Bản thân thầy cô giáo luôn cố gắng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để xây dựng lối sống mới trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Cà Mau. Mối quan hệ thầy trò ngày càng được thắt chặt hơn, luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Hiện tại, đời sống đội ngũ thầy cô giáo Cà Mau đã có bước phát triển khá tốt so với trước đây cả về mức sống, chất lượng sống... tạo được sự phấn khởi, tin tưởng của thầy cô giáo với nghề nghiệp, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tuy nhiên, cũng có một số giáo viên còn có những hạn chế nhất định trong lối sống biểu hiện như sau:

 Trước hết là lối sống thực dụng vẫn còn tồn tại trong đội ngũ giáo viên, biểu hiện cụ thể của lối sống thực dụng là làm này sinh ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Để kiếm được tiền, họ đã phần nào quên đi chuẩn mực của thầy cô giáo, làm mất đi tình cảm tốt đẹp giữa thầy trò. Nạn dạy thêm tràn lan, thương mại hóa trường học đã chứng minh điều đó. Có khi vì sức mạnh đồng tiền mà đã có những cán bộ quản lý trường học sai phạm trong công tác quản lý tài chính ở đơn vị trường học đó là điều đáng báo động, tình trạng này hiện nay “phổ biến hơn”, “tinh vi hơn”, “nghiêm trọng hơn”, trở thành căn bệnh trầm trọng của đời sống xã hội.

          Thứ hai, một hạn chế khác trong lối sống của đội ngũ giáo viên là ngại khó, ngại học tập. Điều này dễ thấy nhất ở các giáo sinh mới ra trường, khi được phân công về trường vùng sâu thì bỏ việc. Tuy số lượng này rất ít, song cũng đã cho thấy yêu cầu cần phải chú ý bồi dưỡng, giáo dục tích cực thường xuyên tính chịu khó, vươn lên cho đội ngũ thầy cô giáo nhất là giáo viên trẻ, vốn dễ dao động trước những biến động xã hội.

Thứ ba, việc vi phạm quy tắc, quy định trong lối sống trong sạch, lành mạnh, văn minh, trong giao tiếp, trong ứng xử với mọi người đội ngũ thầy cô giáo thời gian qua vẫn còn, số đó so với sai phạm đối với các lĩnh vực khác là không nhiều nhưng cũng là điều đáng tiếc đối với những thầy, cô giáo trong sự nghiệp “trồng người”.

          Nguyên nhân dẫn đến các hạn chế nêu trên trong lối sống đội ngũ giáo viên ngành giáo dục - đào tạo Cà Mau trong bối cảnh hiện nay:

Một là, bản thân thầy cô giáo còn thiếu sự rèn luyện phấn đấu và một phần là do sự thiếu sâu sát trong kiểm tra phát hiện chấn chỉnh sai phạm của ngành Giáo dục và Đào tạo. Mặt khác, do tinh thần đoàn kết, phê bình và tự phê bình ở những đơn vị ấy còn yếu kém hoặc chưa được chú ý phát huy hiệu quả của nó.

          Hai là, do tác động của điều kiện môi trường sống. Mặt trái của nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng của văn hóa tiêu cực từ nước ngoài đã tiêm nhiễm lối sống tiêu dùng, thực dụng, hưởng lạc, đề cao cá nhân quá mức, coi trọng giá trị vật chất, chi phối các mối quan hệ xã hội đang làm ảnh hưởng xấu đến lối sống nhân dân, trong đó có đội ngũ nhà giáo ngành giáo dục - đạo tạo Cà Mau.

          Ba là, tâm lý tiểu nông cũng có những ảnh hưởng không tốt đến lối sống của thầy cô giáo Cà Mau. Đó là trong giảng dạy còn có tư tưởng “nước tới đâu, bèo trôi tới đó”, cách dạy còn mang tính xuề xòa, dễ dãi của nông dân, chưa có tác phong công nghiệp. Ngôn phong thì chưa chuẩn, còn dùng nhiều từ ngữ, ngôn từ chưa chính xác.

          Bốn là, do chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng, giáo dục về tư tưởng, đạo đức và lối sống trong đội ngũ nhà giáo. Hơn nữa, việc xử lý những trường hợp sai phạm chưa nghiêm. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo nhà trường có những biểu hiện do tình cảm cá nhân, nể nang, thiếu khách quan, thiếu kiên quyết, không kịp thời. Mặt khác, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh cũng ảnh hưởng đến lối sống thầy cô giáo tỉnh Cà Mau

       

Tài liệu tham khảo:

 

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018 Ban hành Quy định Chuẩn Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.
  2. Nguyễn Văn Đệ (2007), “Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường thời hội nhập kinh tế Quốc tế - Vấn đề và giải pháp”, Tạp chí Giáo dục (số 153/2007), tr. 8-10.
  3. Nguyễn Minh Đường - Phan Văn Kha (2006), Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. Phạm Minh Hạc (2001), Phát triển toàn diện con người thời kỳ CNH - HĐH, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Hồ Chí Minh (2007), về giáo dục và đào tạo - Hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Lao động - Xã hội.

 

 

 

Tác giả: Lê Hoàng Dự