Thực hiện Công văn số 1312/KH-SGDĐT ngày 25/5/2021 của
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau về việc báo cáo tham luận điều kiện đảm bảo
cho việc ổn định và phát triển đội ngũ giáo viên mầm non. Vấn đề trên, Trưởng phòng, Phòng
Giáo dục và Đào tạo huyện báo cáo nội dung nêu trên cụ thể, như sau:
1. Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục mầm non
Huyện Trần Văn Thời là một huyện vùng sâu của tỉnh Cà Mau, tiềm năng kinh
tế của huyện gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Địa giới hành chính
phía Bắc giáp huyện U Minh, phía Nam giáp huyện Cái Nước, phía Đông giáp TP Cà
Mau, phía Tây giáp biển Tây và vịnh Thái Lan. Diện tích tự nhiên của huyện
70.271,64 ha, có bờ biển dài 34 km, huyện có 2 đảo là Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc,
mật độ dân số thấp, dân cư phân bố không đồng đều, tỷ lệ tăng dân số dưới 1,2%/
năm; huyện có 3 dân tộc sinh sống: Kinh, Hoa, Khơmer. Kinh tế chủ yếu của huyện
là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng, khai thác thuỷ sản và dịch vụ.
- Huyện có 13 xã, thị trấn với 154 khóm, ấp (có 5 xã, thị trấn ven biển) 1
xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 đó là
xã Khánh Hưng; Có 1 xã được công nhận xã đảo: xã Khánh Bình Tây và 1 thị trấn
đảo: thị trấn Sông Đốc.
- Là một huyện nằm ven bờ
sông Ông Đốc và biển Tây, hàng năm huyện Trần Văn Thời chịu tình trạng sạt lở đất
gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân; diện tích rộng, giao thông đường
bộ phát triển chưa đều do đặc điểm của vùng sông rạch nên về mùa mưa người dân
đi lại chủ yếu bằng phương tiện đường thuỷ.
- Huyện Trần Văn Thời là địa phương có bề dày truyền
thống về văn hoá và lịch sử đấu tranh cách mạng như: Di tích lịch sử Hòn Đá Bạc
với chiến công “Chuyên án CM12”, Khu du lịch rừng sinh thái quốc gia Vồ Dơi,
Danh nhân văn hóa Bác Ba Phi ...Truyền thống
lịch sử, cách mạng của huyện Trần Văn Thời là niềm tự hào của nhân dân và cũng
là động lực cho thế hệ mai sau quyết tâm học tập, để nâng cao trình độ năng lực
để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Toàn huyện hiện có 16 trường trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào
tạo (1 trường tư thục), với 156 lớp với 4.474 trẻ. Mạng lưới trường, lớp
được bố trí đều khắp các địa bàn nên đã đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em
nhân dân; trẻ mầm non 5 tuổi huy động đạt trên 97%. Đội ngũ nhà giáo đáp ứng
nhu cầu dạy và học toàn huyện có 316 CBQL, Giáo viên, Nhân viên; Trong đó có 33
cán bộ quản lý, 251 giáo viên tỷ lệ 1,6 giáo viên/lớp, có 32 nhân viên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học
được tăng cường cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục ở địa phương; Trường đạt chuẩn
quốc gia hiện có 11/15 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 73,3%.
- Khó khăn, vướng mắc:
Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu
tư cơ sở vật chất theo các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu kiên cố
hóa trường, lớp giáo dục mầm non, chưa bảo đảm yêu cầu đến năm 2025 đạt 01
phòng/nhóm, lớp; đầu tư xây dựng mới, bổ sung các hạng mục công trình theo hướng
đạt chuẩn về cơ sở vật chất đối với giáo dục mầm non hiện nay chưa đáp ứng yêu
cầu.
Hiện nay, một số địa phương giành quỹ đất để
đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non còn hạn chế.
Chính sách hỗ trợ cho giáo viên và trẻ mầm
non hiện nay con hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu phát giáo dục mầm non theo tinh
thần Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.
2. Để
ổn định và phát triển đội ngũ nhà giáo địa phương cần tập trung một số giải
pháp sau đây:
Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục
và Đào tạo đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT
ngày 07/5/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tăng cường
công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; thực hiện đúng quy chế làm việc
và văn hóa công sở. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm đạo
đức nhà giáo. Tham mưu
cho Ủy ban nhân dân huyện, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên gắn với
việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên đối với các cấp học và
trình độ đào tạo, các chuẩn được ban hành, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp,
điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp.
Tổ chức triển khai thực
hiện tốt Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 17/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai Đề
án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2019 – 2025.
Thực hiện tốt các
chính sách phát triển đội ngũ: chế độ tiền lương và các phụ cấp theo lương, trợ
cấp khác; đánh giá, khen thưởng nhằm nâng cao đời sống, tạo động lực cho đội
ngũ nhà giáo chuyên tâm với nghề. Thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế
trong ngành; đồng thời thực hiện các giải pháp đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu giáo
viên các cấp học theo quy định, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên
cục bộ.
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ
năng mềm cho đội ngũ giáo viên; nâng cao nhận thức về ý thức, tác phong, kỷ luật
để tự phấn đấu, hoàn thiện, đáp ứng với nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu
phát triển trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tăng cường hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính từ các chương
trình mục tiêu, dự án, ngân sách, xã hội hóa để đầu tư xây dựng trường học,
tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu
tư công, bảo đảm thiết bị tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách
giáo khoa mới. Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng
nhu cầu xã hội về giáo dục, nhất là giáo dục chất lượng cao theo chủ trương của
tỉnh. Ủy ban nhân dân huyện vận động xã hội hóa giáo dục xây dựng trường 01 mầm
non tại thị trấn Trần Văn Thời và 01 trường mầm non tại thị trấn Sông Đốc theo
lộ trình đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2025.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã thường
xuyên tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, Nghị quyết của Đảng,
chính sách, pháp luật nhà nước; các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của ngành về đổi
mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.
3. Đề xuất, kiến nghị
Sở Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm đầu
tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non vùng sâu, hiện nay các trang thiết bị
dạy và học đã xuống cấp nhiều, có chính sách hỗ trợ cho giáo viên, trẻ mầm non,
đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường./.
(Bài tham luận của Phòng GD&ĐT huyện Trần Văn Thời)