image banner
  Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5   
Thống kê truy cập
  • Đang online: 22
  • Hôm nay: 1,953
  • Trong tuần: 16,308
  • Tất cả: 3,580,702
Nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành Giáo dục Mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục của Trường Cao Đẳng Cộng Đồng Cà Mau
Lượt xem: 1097

Nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành Giáo dục Mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục  

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Giáo dục làm cho các thế hệ nối tiếp nhau không ngừng phát triển, tinh hoa  văn hóa dân tộc, nhân loại được kế thừa, bổ sung. Trong cuộc Cách mạng công  nghiệp lần thứ tư, tri thức đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế, tạo  ra của cải vật chất và nâng cao chất lượng cuộc sống. Giáo dục và đào tạo là chìa  khóa cho sự thành công của mỗi quốc gia. Nhìn vào hệ thống giáo dục có thể dự đoán được tương lai của một đất nước. Nhìn vào đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản  lý giáo dục có thể đánh giá được chất lượng của một nền giáo dục. Vì vậy, Đảng và  Nhà nước ta rất quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng  cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Trong những năm qua, giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu  quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Suốt  chiều dài lịch sử phát triển Giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, chất  lượng đào tạo trong các nhà trường là vấn đề bức thiết, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt  trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đề ra giải pháp tập  trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, coi đây là khâu then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng nhiều đề án nâng cao chất lượng giáo dục bằng chính những thầy cô giáo tương lai và các chính sách dành cho sinh viên sư phạm. 

Trước yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đội ngũ nhà  giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Trường Cao đẳng cộng đồng Cà Mau  (CĐCĐ) không ngừng quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên  mầm non có kiến thức lý luận về khoa học và thực tiễn giáo dục, có kĩ năng nghề nghiệp và năng lực tự chủ tự chịu trách nhiệm, có khả năng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo chương trình, tiêu  chuẩn, đảm bảo sự an toàn và sự phát triển toàn diện cho trẻ ở bậc học mầm non. Để đạt được mục tiêu này, nhà trường đặc biệt quan tâm đổi mới từ khâu chất lượng tuyển sinh đầu vào, tổ chức thực hiện trình đào tạo, nâng cao chất lượng đầu ra, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường không ngừng bổ sung cơ chế chính sách, chế độ học bổng để khuyến khích, hỗ trợ sinh viên có thành tích cao và vượt khó trong học tập.

II. NỘI DUNG

Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 26 tháng 4 năm 2008. Tập thể nhà trường không ngừng phấn đấu  xây dựng trở thành một trường chất lượng, có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực và  ứng dụng khoa học – công nghệ cho tỉnh Cà Mau, phấn đấu phát triển thật sự là  trường của cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng. Trường đang thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo nhiều ngành học từ hệ trung cấp, cao đẳng, đến đại học và sau  đại học. Từ năm 2017, nhà trường tiếp tục được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao nhiệm  vụ đào tạo sinh viên sư phạm trong đó có ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng, hiện tại có 268 sinh viên đang theo học trình độ cao đẳng và 116 học viên  theo học chương trình liên kết đào tạo trình độ đại học và phối hợp đào tạo thạc sĩ  ngành Giáo dục Mầm non.

Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên Khoa sư  phạm, cùng với sự phối hợp có hiệu quả, sự đóng góp tích cực của các phòng,  khoa, trung tâm, của các tổ chức Đoàn – Hội trong và ngoài nhà trường, đặc biệt  là vai trò quan trọng của các trường mầm non trong công tác phối hợp rèn luyện kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho sinh viên đã tạo những chuyển biến tích cực trong  việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp và nhu cầu xã hội, góp phần quan trọng trong công tác giáo dục đào tạo của  tỉnh nhà. Với những kết quả đạt được nhà trường đã và đang tập trung thực hiện tốt các vấn đề sau:

Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyển sinh đầu vào.

Chất lượng tuyển sinh đầu vào tốt là một trong những tiền đề quan trọng  trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Hằng năm, nhà trường công khai đề án  tuyển sinh và tổ chức thực hiện tuyển sinh theo quy chế của Bộ Giáo dục & Đào  tạo (GD&ĐT). Đề án tuyển sinh thực hiện theo hai phương thức. Phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia và thi năng khiếu; Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (năm lớp 12) và thi năng khiếu. Theo yêu cầu điều kiện đăng ký xét tuyển đầu vào đối với ngành Giáo dục Mầm non ngày càng cao (kết quả học tập THPT năm lớp 12 đạt từ loại khá trở lên) vì vậy, nhiều trường hợp thí sinh dù muốn chọn nghề nhưng không đăng ký được.

Thứ hai: Tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và không ngừng nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra

Một trong những yếu tố mang tính quyết định, không thể thiếu để giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo đó là yếu tố người thầy. Người thầy luôn được xã hội tôn vinh và giao trọng trách quan trọng trong sự nghiệp trồng người. Trong thời đại công nghệ số, vai trò của người thầy không hề mất đi mà trách nhiệm và yêu cầu chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng ứng dụng các phần mềm vào quá trình giảng dạy, quá trình đào tạo ngày càng cao hơn. Công nghệ phát triển, phần lớn sinh viên có điều kiện tiếp cận thông tin nhanh và đa dạng. Sinh viên có khả năng sử dụng công nghệ 4.0 mà người thầy chỉ sử dụng được công nghệ 0.4 thì bản thân người thầy cũng như chất lượng đào tạo chắc chắn thụt lùi chứ không phải đứng yên tại chỗ. Với khẩu hiệu "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo". Ban lãnh đạo nhà trường đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để giảng viên được bồi dưỡng phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thông qua các Hội  giảng, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm các cấp, các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo do nhà trường và các cấp tổ chức. Kịp thời khen thưởng những giảng viên có sáng kiến, thành tích cao trong công tác và hoạt động chuyên môn.

Bên cạnh đó, xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chú trọng rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành nghề nghiệp là khâu quan trọng trong quy trình đào tạo giáo viên mầm non tại Trường. Định kỳ chương trình đào tạo được xây dựng, cải tiến theo quy định của Bộ GD&ĐT và được tổ chức đánh giá, thẩm định trong đó thành viên thẩm định là nhà quản lý, giảng viên chuyên ngành của các trường đại học. Mục tiêu chương trình hướng đến đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới của giáo dục mầm non. Sinh viên tốt nghiệp có đủ phẩm chất, năng lực; có kiến thức, kĩ năng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non; có tư duy độc lập, sáng  tạo, chủ động, yêu nghề và thích ứng với sự phát triển, đổi mới trong thời kỳ hội  nhập.

Để nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra, nhà trường luôn quan tâm nâng cao  nhận thức và hiệu quả học tập thông qua các học phần trong chương trình đào tạo đặc biệt là các học phần phương pháp dạy học. Việc định hướng cho sinh viên hiểu về nghề dạy học và hiểu rõ nội dung, chương trình mà bản thân sinh viên phải rèn luyện để trở thành những giáo viên mầm non có đủ phẩm chất, năng lực là điều hết  sức cần thiết. Việc giáo dục ý thức, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên luôn  được giảng viên quan tâm và tiến hành sớm ngay từ năm thứ nhất, thông qua quá  trình giảng dạy các học phần đặc biệt là học phần Tâm lí – Giáo dục thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, giúp cho sinh viên có nhận thức đúng đắn, tạo động cơ, mục đích học tập rõ ràng, thúc đẩy quá trình học tập tự giác, tích cực và chủ động.

Trong chương trình đào tạo, những học phần phương pháp thuộc khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp như: Phương pháp giáo dục thể chất, tổ chức hoạt động vui chơi, làm quen với tác phẩm văn học, phát triển ngôn ngữ, làm quen với toán, khám phá khoa học về môi trường xung quanh, tạo hình, âm nhạc được đưa vào chương trình đào tạo cho sinh viên năm thứ 2. Đây là các học phần trọng tâm, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Không ngừng cập nhật, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các học phần thực hành, học phần phương pháp; tăng cường thực hành cá nhân và thực hành  nhóm, theo hướng nâng cao năng lực sáng tạo, phát huy điểm mạnh của mỗi sinh viên. Khai thác và sử dụng hiệu quả các phương tiện dạy học trực quan như: như kết hợp âm thanh, video, phần mềm, các vật mẫu, hình vẽ, các mô hình tự làm sử dụng từ các nguyên vật liệu tái chế như vỏ chai nhựa, võ lon, hộp giấy,… để minh họa trong các giờ thực hành tập dạy. Giao nhiệm vụ cho sinh viên tập soạn giáo án (kế hoạch giáo dục) và tập giảng, giáo viên và nhóm lớp cùng phân tích, cùng đánh  giá; cho sinh viên thực hành phân tích bài soạn trước khi tập giảng. Tạo trang liên  kết (Zalo; email; facebook) của nhóm, lớp sử dụng các phương tiện ghi âm, ghi  hình để lưu lại giờ tập giảng của sinh viên để nhóm, lớp, cá nhân cùng phân tích, đánh giá bài soạn và giờ dạy. Qua cách đổi mới này, tất cả sinh viên được phát huy tốt năng lực cá nhân, kỹ năng tổ chức, xử lý tình huống qua các giờ thực hành. 

Bên cạnh rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, tăng cường công tác tự học, thực hành cho sinh viên, nhà trường không ngừng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện phục vụ cho hoạt động dạy học hiện đại tương ứng với yêu cầu của chương trình đào tạo để người học được bước vào "thực tế" nghề nghiệp ngay trên giảng đường. Khoa sư phạm chủ động, kịp thời tham mưu với lãnh đạo trường trong việc quy hoạch, tu sửa nâng cấp phòng thực hành, phòng múa, phòng nhạc cụ, phòng trưng bày và lưu giữ đồ dùng thiết bị dạy học của ngành học mầm non, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tăng cường hoạt động tự học và nâng cao kỹ năng thực hành nghề nghiệp.  

Thứ ba: Tăng cường công tác phối hợp, xây dựng mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa lãnh đạo Trường CĐCĐ, Khoa Sư phạm với các trường mầm non trong để rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt  nghiệp. 

Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm là một trong những hoạt động quan trọng và mang tính chất đặc thù trong đào tạo giáo viên nói chung, đào tạo giáo viên mầm non nói riêng. Hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm hướng tới việc rèn luyện  cho sinh viên các năng lực sư phạm cần thiết của người giáo viên tương lai. Chất lượng công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm sẽ quyết định chất lượng giáo viên và năng lực nghề nghiệp của họ sau khi tốt nghiệp. Thông qua hoạt động thực hành thường xuyên khắc sâu kiến thức về nghiệp vụ sư phạm, hình thành hệ thống kỹ  năng nghề nghiệp cơ bản gắn liền với thực tiễn bậc học mầm non, từ đó hình thành ý thức, tình cảm nghề nghiệp, chuẩn bị cho sinh viên bước vào nghề. 

Công tác thực tập sư phạm được tiến hành đều đặn theo chương trình, kế hoạch trong chương trình đào tạo toàn khoá học. Đây cũng chính là thời điểmmà  khoa đào tạo thực hiện và phát huy hiệu quả sự kết nối trong mạng lưới chuyên  môn giữa cơ sở đào tạo và cơ sở giáo dục. Trong từng đợt thực tập sư phạm, Khoa sư phạm cử giảng viên phụ trách chuyên môn phối hợp để xây dựng kế hoạch hướng dẫn sinh viên thực tâp tại các trường trên địa bàn thành phố. Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, xây dựng mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa lãnh đạo Trường CĐCĐ, Khoa Sư phạm (cơ sơ đào tạo) với các trường mầm non trong tỉnh (đơn vị sử dụng lao động) để rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên qua các đợt thực hành, thực tập sư phạm, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đã qua công tác phối hợp này đã được các nhà trường quan tâm và thực hiện rất tốt. Lãnh đạo các trường, Khoa Sư phạm, giảng viên phụ trách đoàn thực tập với các giáo viên phụ trách hướng dẫn thực tập cho sinh viên tại các trường mầm non nơi tiếp nhận sinh viên thực tập thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những yêu cầu, kinh nghiệm trong công tác tổ chức quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc giáo dục trẻ tại các trường mầm non cũng như chất lượng thực tế, khả năng ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn của sinh viên qua thực hành, thực tập. Qua  đó giúp cho Trường CĐCĐ, cụ thể là Khoa Sư phạm nắm bắt kĩ hơn về thực chất chất lượng đào tạo, hiệu quả công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, từ đó có những kế hoạch và biện pháp điều chỉnh cho phù hợp để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thường xuyên và chủ động trong công tác phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu để giới thiệu, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Thứ tư: Bổ sung cơ chế chính sách, chế độ học bổng để khuyến khích, hỗ trợ sinh viên trong học tập. 

Việc bổ sung và thực hiện cơ chế chính sách, chế độ học bổng để khuyến  khích, hỗ trợ sinh viên trong học tập là vấn đề cũng được thực hiện rất tốt. Trong  từng năm học, Phòng công tác sinh viên đã kịp thời tham mưu, phối hợp thực hiện  tốt chế độ học bổng theo quy định; bổ sung chính sách, chế độ học bổng từ các  nguồn, quỹ học bổng khác để khuyến khích, hỗ trợ sinh viên trong học tập.

Hiện tại nhà trường có các quỹ học bổng từ quỹ khuyến học của Trường, học bổng Nguyễn Trường Tộ do tổ chức VNHelp tài trợ, học bổng từ nguồn tài trợ khác như: Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam Agribank chi nhánh Cà Mau, các nhà mạng Vinaphone, Viettel, mobiphone, Quỹ Môtô học bổng... để khen thưởng, đồng hành cho sinh viên có thành tích cao trong học tập và hỗ trợ cho sinh viên nghèo vượt khó.

Đầu mỗi năm học nhà trường trao tặng nhiều suất học bổng và phần quà có  giá trị cho sinh viên đạt thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh các ngành học; trao tặng học bổng khuyến khích học tập 2 lần/ năm học cho sinh viên có kết quả học tập đạt khá giỏi trở lên theo chỉ tiêu từng ngành đào tạo (Loại Khá: 1.900.000đ, loại Giỏi: 2.280.000đ, loại Xuất sắc: 2.700.000đ). Ngoài ra, nhà trường còn chi hỗ trợ Ban cán sự lớp: Lớp trưởng: 1.200.000đ/người/năm học; Lớp phó: 600.000đ/người/năm  học.

Đặc biệt, từ khoá tuyển sinh theo đặt hàng năm 2021, 2022 sinh viên ngành Giáo dục mầm non ngoài việc được Nhà nước đóng học phí, mỗi sinh viên còn nhận được 3.630.000đ/tháng theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.  

Ngoài ra, nhà trường cũng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Uỷ ban nhân dân và Phòng Giáo dục & Đào tạo của huyện Ngọc Hiển đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền cho sinh viên có hộ khẩu huyện Ngọc Hiển đang theo học ngành Giáo dục Mầm non tại Trường. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để thu hút đào tạo sinh viên vào học ngành Giáo dục mầm non tại trường, các em có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập và gắn bó với ngành học mà các em đã lựa chọn.  

Thứ năm: Phát huy vai trò quan trọng của tổ chức Đoàn – Hội trong việc  xây dựng, tổ chức có hiệu quả các hoạt động phong trào, các hoạt động đồng hành hỗ trợ sinh viên.

Công tác Đoàn, Hội có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục lý tưởng  cách mạng, đạo đức, lối sống, trang bị kỹ năng cho sinh viên. Được sự quan tâm và tạo những điều kiện thuận lợi từ Ban giám hiệu nhà trường, trong thời gian qua tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội sinh viên Trường CĐCĐ Cà Mau, bên cạnh  việc thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến  thức xã hội cho đoàn viên, thanh niên. Trong điều kiện chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, tổ chức Đoàn, Hội của nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động hướng đến việc phát huy hiệu quả trong việc rèn luyện các kỹ năng mềm, năng lực nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu khoa học và các năng lực chuyên biệt  cho sinh viên.  

Thông qua các phong trào sinh viên 5 tốt, đã xuất hiện ngày càng nhiều  những tấm gương sinh viên học tập, rèn luyện tốt, truyền được cảm hứng cho bạn bè đồng trang lứa trong môi trường học đường. Chiến dịch Mùa hè xanh tình nguyện với nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa như: Tiếp sức mùa thi; Hành trình đỏ, những công trình, hoạt động ý nghĩa trong Tháng Thanh niên hằng năm như: Thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ; Gian hàng không đồng, các phong trào, các cuộc vận động hỗ trợ sinh viên, gia đình, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, đại dịch covid, những trẻ em khuyết tật…. những phong trào, hoạt động này đã  tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, để lại dấu ấn, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vị thế, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường.

III. KẾT LUẬN

Trước những yêu cầu, đòi hỏi thực tế của thị trường lao động trong công  cuộc đổi mới đất nước. Các cơ sở đào tạo giáo viên nói chung và Trường Cao đẳng cộng đồng Cà Mau nói riêng, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục và đào tạo. Ngoài công tác tổ chức đào tạo, nhà trường cần tăng cường công tác bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho sinh viên. Thông qua hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm nhằm hướng tới việc rèn luyện cho sinh viên các năng lực sư phạm cần thiết của người giáo viên tương lai. Chất lượng công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm sẽ quyết định chất lượng giáo viên và năng lực nghề nghiệp của họ sau khi tốt nghiệp. Thông qua hoạt động thực hành, thực thực tập thường xuyên khắc sâu kiến thức về nghiệp vụ sư phạm, hình thành hệ thống kỹ  năng nghề nghiệp cơ bản gắn liền với thực tiễn bậc học mầm non, từ đó hình thành  ý thức, tình cảm nghề nghiệp, chuẩn bị cho sinh viên bước vào nghề. 

Bên cạnh đó, chế độ chính sách hỗ trợ cho sinh viên theo học ngành Giáo  dục Mầm non được quan tâm, đảm bảo điều kiện thuận lợi để sinh viên tham gia và hoàn thành chương trình đào tạo. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ hỗ trợ hằng năm cho sinh viên cần kịp thời hơn. Hiện tại, có nhiều sinh viên theo học ngành này tại Trường CĐCĐ Cà Mau có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài thời gian học tập, các em tranh thủ làm thêm nhiều công việc để trang trải chi phí học tập. Điều này đã làm  ảnh hưởng đến thời gian sinh viên tự học và thực hành các kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. 

Đồng thời để thu hút và tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm  non trong thời gian tới. Các ngành, các cấp cần quan tâm đặc biệt hơn nữa trong  việc xây dựng các chính sách đãi ngộ đối với giáo viên mầm non. Như chúng ta  biết, Mầm non là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò đặc  biệt quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách  của trẻ em. Công việc giáo viên mầm non so với nhiều cấp học là vất vả nhưng  những chính sách ưu đãi vẫn chưa thực sự tương xứng. Rất cần chính sách đãi ngộ để giáo viên an cư lạc nghiệp và tiếp tục cống hiến.

                                                                                  (Bài tham luận của trường Cao Đẳng Cộng Đồng Cà Mau)

Tác giả: Lê Hoàng Dự