image banner
  Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5   
Thống kê truy cập
  • Đang online: 25
  • Hôm nay: 1,965
  • Trong tuần: 16,320
  • Tất cả: 3,580,714
MỘT SỐ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THIẾU GIÁO VIÊN MẦM NON Ở HUYỆN NGỌC HIỂN
Lượt xem: 1337

Huyện Ngọc Hiển lên báo cáo, chia sẻ một số giải pháp “Thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục, nó giúp trẻ phát triển đầy đủ về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ ngay từ những bước chân chập chững đầu đời. Chính vì vậy, giáo dục mầm non giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi đây được coi là “Giai đoạn vàng” để giáo dục và tạo nền móng cho sự phát triển của trẻ trong tương lai. Để đạt được mục tiêu đó vai trò của giáo viên mầm non là hết sức quan trọng.

Đến với Hội thảo “Giải pháp thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” do Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau tổ chức, tôi rất vinh dự được đại diện cho đơn vị huyện Ngọc Hiển lên báo cáo, chia sẻ một số giải pháp “Thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” ở huyện Ngọc Hiển.

Lời đầu tiên cho phép tôi gửi tới chủ tọa Hội thảo cùng toàn thể đại biểu có mặt trong Hội thảo “Thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” lời chức sức khỏe chân thành nhất, chúc Hội thảo thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” tỉnh Cà Mau thành công tốt đẹp.

Thưa toàn thể Hội nghị !

          - Ngọc Hiển là huyện cuối cùng cực Nam của Tổ quốc, là một huyện nghèo của tỉnh Cà Mau được chia tách theo Nghị định số 138/2003/NĐ-CP ngày 17/11/2003 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004. Phạm vi quản lý của huyện bao gồm 07 xã, thị trấn bao gồm: xã Tam Giang Tây, Tân Ân Tây, Tân Ân, Viên An Đông, Viên An, Đất Mũi, thị trấn Rạch Gốc (88 ấp, khóm) và cụm đảo Hòn Khoai cách đất liền khoảng 14,6 km. Huyện Ngọc Hiển như một hòn đảo được hai biển bao bọc: phía Bắc giáp huyện Năm Căn, Nam và Đông Nam giáp biển Đông, phía Tây giáp biển Tây (vịnh Thái Lan). Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 70.855 ha, Dân số chung trong toàn huyện 17.986 hộ gồm 66.874 nhân khẩu (giảm gần 17.000 nhân khẩu so với ngày đầu thành lập huyện)

Về giáo dục toàn huyện có 28 trường trực thuộc (07 trường mẫu giáo; 16 trường tiểu học và 05 trường THCS) với trên 10.000 học sinh các cấp từ mầm non đến THCS theo học.

Trong cái khó khăn bộn bề của một huyện nghèo sau chia tách đặc biệt là về giáo dục và đào tạo nói chung, ngành học mầm non nói riêng. Ngọc Hiển đang cố gắng vươn lên để sánh vai với các đơn vị bạn trong tỉnh.

Thưa toàn thể Hội nghị !

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập huyện, toàn huyện chỉ có 03 trường mẫu giáo (04 xã trắng về cấp học), toàn cấp học chỉ có 10 phòng học (07 phòng học tận dụng từ các phòng làm việc của UBND các xã; cán bộ quản lý, giáo viên vẻn vẹn 11 người (cán bộ quản lý 03 người, giáo viên 08 người).

Làm thế nào để phát triển cấp học đây: Qui mô, phòng học, đội ngũ giáo viên đều rất thiếu. Là những nhà quản lý giáo dục chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng: Giáo viên mầm non không chỉ là người chăm lo, dạy dỗ cho các cháu nhỏ, mà còn là những người đặt nền móng đầu tiên cho bước đường trưởng thành của một đứa trẻ. Bên cạnh bố mẹ thì giáo viên mầm non là người để trẻ có thể tin tưởng, có cảm giác được quan tâm bảo vệ. Do vậy muốn mở rộng được qui mô cấp học, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ra lớp mẫu giáo thì phải có giải pháp “Thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non”.

Thưa toàn thể Hội nghị !

Trong khuôn khổ của bài tham luận này chúng tôi xin báo cáo và chia sẻ một số giải pháp trong việc “Giải bài toán thiếu giáo viên mầm non” ở huyện Ngọc Hiển. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên chúng tôi đã đưa ra các giải pháp sau:

1. Công tác tuyển dụng giáo viên

- Tăng cường công tác tuyên truyền đến công chức viên chức trong huyện, đặc biệt là đội ngũ giáo viên các cấp học trong huyện động viên con em đã tốt nghiệp cấp THPT đăng ký học sư phạm mầm non và về công tác tại các trường mầm non trong huyện.

- Tham mưu UBND huyện xin chủ trương UBND tỉnh, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, trường Cao Đẳng Sư phạm Cà Mau xin thêm chỉ tiêu mở lớp sư phạm mầm non trình độ trung cấp cho con em huyện Ngọc Hiển, địa điểm mở lớp tại huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo sinh tham gia học tập.

- Tham mưu UBND huyện giao chỉ tiêu cho địa phương trong việc đưa học sinh tốt nghiệp THPT tham gia lớp sư phạm mầm non tổ chức tại huyện.

- Năm 2012 UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với trường Cao đẳng sư phạm Cà Mau tổ chức tọa đàm, giới thiệu về quê hương Ngọc Hiển để giáo sinh mầm non đã tốt nghiệp hiểu hơn về huyện Ngọc Hiển, đăng ký về công tác tại huyện Ngọc Hiển.

- Năm 2021 UBND huyện xin chủ trương UBND tỉnh, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, trường Cao Đẳng cộng đồng xin 50 chỉ tiêu đào tạo giáo viên sư phạm mầm non cho huyện Ngọc Hiển, sau khi được cấp có thẩm quyền cho chủ trương, UBND huyện, phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với 02 trường THPT trong huyện để làm công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12.

- Hàng năm Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục của nhà trường năm học tới, rà soát, đề nghị bổ sung giáo viên. Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch trình UBND huyện tổ chức tuyển dụng viên chức sự nghiệp Công lập theo vị trí việc làm.

-  Giáo sinh sau khi tốt nghiệp được phân công giảng dạy (theo nguyện vọng) và được đảm bảo các quyền lợi theo quy định của nhà nước.

2. Chăm lo ổn định cuộc sống cho đội ngũ nhà giáo.

Giáo viên về công tác tại huyện Ngọc Hiển công tác ngoài việc được hưởng các chế độ chính sách theo qui định còn được địa phương:

- Bố trí nơi ăn, nghỉ tại nhà công vụ của nhà trường nếu có yêu cầu, giáo viên tự túc chỗ ở được miễn tiền đò, tiền phà khi đến trường làm nhiệm vụ.

- Giáo viên có gia đình được chính quyền địa phương cấp đất để cất nhà ổn định cuộc sống lâu dài.

- Được tham gia các hoạt động tại địa phương, được vào Đảng nếu có nguyện vọng và đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.

3. Kết quả đạt được.

- Năm 2014 huyện mở được 02 lớp sư phạm mầm non, trình độ trung cấp gồm 45 giáo sinh và gần 20 giáo viên có gia đình đang công tác trong huyện xin về công tác. Số giáo sinh, giáo viên này hiện đang công tác ổn định tại các trường mẫu giáo trong huyện.

- Năm 2019 huyện tuyển dụng mới được 12 vị trí giáo viên mầm non. Hiện nay huyện vẫn đang tiếp tục tuyên truyền, phấn đấu có ít nhất 50 học sinh lớp 12 tại 02 trường THPT trong huyện đăng ký dự tuyển học sư phạm mầm non trong mùa tuyển sinh năm 2021.

- Năm học 2020-2021 toàn huyện có 90 cán bộ quản lý, giáo viên (cán bộ quản lý 14 người; giáo viên 76 người); giáo dục mầm non đã phủ kín 7/7 địa phương trong huyện, không còn địa phương trắng về ngành học. Cơ sở vật chất các trường mẫu giáo khang trang, có 6/7 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1.29 giáo viên/lớp. Huyện duy trì đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi năm 2020.

Thưa toàn thể Hội nghị !

Trên đây là một số giải pháp cũng như kết quả ban đầu đạt được trong việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ngành học mầm non ở huyện Ngọc Hiển. Giải pháp, cách làm không mới, không sáng tạo, có thể các đơn vị bạn cũng đã làm. Nhưng đối với Ngọc Hiển chúng tôi cho rằng cách làm này là sáng tạo, có hiệu quả cần được phát huy nhân rộng. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các đơn vị bạn trong tỉnh.

 Ngọc Hiển mảnh đất anh hùng mang tên nhà giáo Phan Ngọc Hiển dẫu còn nhiều khó khăn, kết quả đạt được chưa như mong đợi, tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên vẫn chưa được khắc phục nhưng dưới sự quan tâm của UBND tỉnh Cà Mau, của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự giúp đỡ đầy trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau, sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp hy vọng một ngày không xa Ngọc Hiển sẽ khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên để mở rộng qui mô cấp học, để phát triển cấp học góp phần vào sự phát triển cấp học mầm non của Cà Mau và của cả đất nước.

                                                                 (Bài tham luận Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển)

Tác giả: Lê Hoàng Dự