Để nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh
Giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông có mục
đích chung là hình thành khả năng tự chủ trong việc lựa chọn nghề của học sinh
trên cơ sở của sự phù hợp giữa năng lực, hứng thú sở thích cá nhân với nhu cầu
sử dụng lao động trong các hoạt động đa dạng của đời sống xã hội.
Trong những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp,
phân luồng học sinh trong nhà trường phổ thông đã được sự quan tâm, chỉ đạo
thường xuyên của các cấp quản lý giáo dục; bước đầu đã có sự phối hợp giữa nhà
trường, doanh nghiệp, chuyên gia trong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, góp
phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội đối
với việc chọn nghề, chọn ngành, huy động ngày càng nhiều học sinh sau phổ thông
tham gia thị trường lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác
hướng nghiệp học sinh trong trường phổ thông trong thời gian qua còn tồn tại
một số bất cập, hạn chế, điển hình như chưa thực hiện hết chức năng của giáo
dục hướng nghiệp; chưa tạo ra sự khác biệt về chất cả trên bình diện thái độ
nghề nghiệp lẫn hiểu biết nghề nghiệp, đặc biệt là chưa phát triển được năng
lực lựa chọn nghề nghiệp phù hợp của từng học sinh dựa trên sự hiểu biết rõ về
năng lực của bản thân và những yêu cầu cốt yếu của nghề mà người học định chọn.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục
hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục, trước tiên, cần nâng cao nhận thức về
giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông qua việc đổi
mới và tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của
cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh
và học sinh cũng như các tầng lớp nhân dân về chủ trương giáo dục hướng nghiệp
và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức giáo
dục hướng nghiệp, đẩy mạnh phân luồng trong trường phổ thông qua các môn học và
hoạt động giáo dục trong nhà trường gắn với việc thực hiện đổi mới chương trình
giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa
tuổi; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.
Cùng với đó, đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình
thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với tâm lý, sinh lý lứa tuổi; đảm bảo học sinh
được tiếp cận đầy đủ thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xu hướng thị
trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục phổ thông,
các cơ quan quản lý giáo dục với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động
giáo dục hướng nghiệp và thu hút học sinh trung học sau khi tốt nghiệp vào học
tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có chính sách ưu đãi đối với người học các
trình độ giáo dục nghề nghiệp.
Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo
viên, nhân viên tư vấn, nhất là phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm nhằm
làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong
các trường phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Tăng cường cơ sở vật chất (phòng học bộ môn, phòng tin
học), trang thiết bị dạy học tiên tiến gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo
dục phổ thông. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các trung tâm giáo dục thường xuyên
và trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên để làm tốt công tác
giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông. Tăng cường sự tham
gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trong xây dựng chương
trình, tài liệu và đánh giá kết quả giáo dục hướng nghiệp,đáp ứng yêu cầu thị
trường lao động.