image banner
  Nhiệt liệt chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)!                                     Đảng Cộng sản Việt Nam - Người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam!                                                                                                 Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn!
Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 1,153
  • Trong tuần: 11,957
  • Tất cả: 3,317,526
ĐAM MÊ SÁNG TẠO
Lượt xem: 331
Từ năm 2014 đến nay nhà sáng chế chân đất đã tạo ra 5 loại máy gồm: Máy cày lội sông; Máy cày đất trồng bồn bồn; Máy cày đầm nuôi tôm công nghiệp; Máy cày đất vuông tôm và Máy cày đất trồng hoa màu! “Kỹ sư mới lớp tư” – Tư Rô đã bán ra thị trường khoảng 200 chiếc máy cho dân Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… 

Bạn đang ngồi làm việc trong phòng? Hãy đưa "cửa sổ tâm hồn" nhìn ra chung quanh, chắc chắn có vài thứ do Thomas Alva Edison phát minh hoặc cải tiến. Trong 84 năm của cuộc đời mình, trong đó có khoảng hơn 74 mùa xuân khoa học, Thomas Alva Edison đã có 1.093 bằng phát minh sáng chế - một con số khổng lồ đối với bất cứ nhà khoa học nào.

Có lẽ phần lớn nhân loại trên thế giới đều thụ hưởng ánh sáng từ phát minh ra bóng đèn điện của Thomas Alva Edison. Ngoài ra còn có máy quay đĩa, nhiều hệ thống điện, máy chiếu phim, máy điện báo, máy ghi âm...

Chúng ta biết rằng khi Thomas Alva  Edison 9 tuổi, người mẹ kính yêu đã đưa cho ông một cuốn sách khoa học cơ bản, hướng dẫn cách thực hiện các thí nghiệm hoá học tại nhà. Cậu bé Edison lập tức "mê" cuốn sách không thể nào rời ra được! Và "nhí" đã thực thực hiện mọi cuộc thí nghiệm nêu trong sách, chẳng bao lâu sau đã tiêu toàn bộ số tiền tiết kiệm để mua các loại hoá chất.

Sang tuổi thứ 10, Edison đã lập phòng thí nghiệm khoa học đầu tiên của mình trong tầng hầm của gia đình, rồi ở lì trong đó cả ngày. Bố cậu đã phải “hối lộ” con trai một xu chỉ để Edison ra khỏi tầng hầm và đi đọc một cuốn sách. Cậu nhận tiền, gom lại để mua thêm các loại hoá chất phục vụ việc thí nghiệm.

Ai đã một thời cắp sách đến trường thì đừng quên, Edison từng là là một học sinh kém ở trường, vì đầu óc cậu lúc nào cũng lơ mơ, không tập trung, đã từng bị một giáo viên cho là “đầu óc có vấn đề”.

Khi phát hiện ra điều đó, mẹ của Edison - bà Nancy đã nổi giận và lập tức cho cậu nghỉ học, chỉ sau 3 tháng chính thức nhập trường. Bà quyết định tự dạy học cho con trai tại nhà. Sau này, khi nhắc đến mẹ, Edison nói: Mẹ đã tạo ra tôi. Bà tuyệt đối tin tưởng, ủng hộ tôi. Và tôi cảm thấy mình phải sống có ý nghĩa vì bà và không được làm bà thất vọng.

Nancy là người mẹ vĩ đại! Là người mẹ chu đáo và hiểu biết! Nancy đã sớm phát hiện ra tư chất của con mình, chỉ dẫn cho con hướng vào những lĩnh vực mới mẻ đầy thách thức, nhất là khi Edison bị người xung quanh coi thường, thì chính Nancy là người tiếp thêm dũng khí va sức mạnh cho con trai.

Ta thử đặt vấn đề: vì sao cậu bé Edison làm nghề bán báo và kẹo trên tuyến tàu Grand Trunk Railroad, chạy từ Port Huron đến Detroit ở Mỹ, lại lập phòng thí nghiệm khi mới 10 tuổi và trong suốt cuộc đời sau đó, đã có trên một nghìn bằng sáng chế?

Phải chăng có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó tài năng thiên bẩm, sự đam mê khoa học và người mẹ vĩ đại là ba trụ cột chính làm nên thiên tài khoa học Thomas Alva  Edison!

Chuyện đam mê khoa học chẳng ở đâu xa, ngay trên đất Cà Mau, biết bao người được thụ hưởng khoái chí cả mấy chục năm trời, đó chính là chiếc cầu kéo - công trình phát minh của nông dân Hai Ô Rê và Ba Quân ở đập Hai Hạt huyện Đầm Dơi.

Người Cà Mau, người đồng bằng sông Cửu Long ai chả năm bẩy lần ung dung ngồi trên xuồng, vỏ lãi hoặc canô, cười tươi roi rói khi qua những con đập cao vun vút.

Người viết bài này có lần ngồi trên canô đến con đập ở Bến Tre, anh tài công nhấn nhẹ tay ga rồi nhấc chân vịt lên khỏi mặt nước. Chiếc canô nhẹ nhàng nằm im trên tấm vỉ bằng những thân tràm ghép lại. Trên bờ, người chủ cầu kéo khởi động chiếc máy, con lăn từ từ quay, sợi dây kéo căng ra, kéo tấm vỉ chở chiếc canô chậm rãi bò trên đường ray bằng gỗ, trồi lên khỏi mặt nước rồi trườn qua mặt đập cao ngất ngưởng của cống; nhẹ nhàng hạ xuống dòng kênh phía bên kia trong ánh mắt thán phục của mọi người. Anh tài công khoái chí khoe: “Sáng kiến của nông dân miệt Cà Mau đó, tài tình hôn?”

Máy cày bánh lốp, bánh xích cày trên nền đất, con người đã sử dụng từ rất lâu rồi, nhưng máy cày phao nổi, “siêu nhẹ”, được sử dụng từ bao giờ? Ở đâu? Ai là người sáng chế?

Xin thưa đó là lão nông lớp 4 Nguyễn Văn Rô ở ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau!

Từ năm 2014 đến nay nhà sáng chế chân đất đã tạo ra 5 loại máy gồm: Máy cày lội sông; Máy cày đất trồng bồn bồn; Máy cày đầm nuôi tôm công nghiệp; Máy cày đất vuông tôm và Máy cày đất trồng hoa màu! “Kỹ sư mới lớp tư” – Tư Rô đã bán ra thị trường khoảng 200 chiếc máy cho dân Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang…

Với sự sáng tạo tuyệt vời ấy, “lão nông tri điền” Nguyễn Văn Rô được Cục Sở hữu trí tuệ tỉnh Cà Mau cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002403

Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Cà Mau lần thứ 4 (2014 - 2015), chiếc “máy cày siêu nhẹ” của ông đoạt giải Ba. Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Cà Mau lần thứ 6 (2018 - 2019), Máy cày phao nổi và máy trục của ông đoạt giải Nhất.

Vinh dự biết bao “Kỹ sư miệt vườn” Cà Mau Nguyễn Văn Rô được dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 9/12/2020.

Khoa học vừa cao xa nhưng cũng vừa gần gũi. Đó không phải là đặc quyền của một ai, mà có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai. Điều quan trọng là sự đam mê sáng tạo./.

Tác giả: Trần Lượng
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image