image banner
  Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5   
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 593
  • Trong tuần: 14,948
  • Tất cả: 3,579,342
RỪNG TÔM SINH THAÍ CÀ MAU
Lượt xem: 203
Đi giữa rừng tôm sinh thái Cà Mau, quan sát những người nông dân cơ bắp cuộn cuộn, da rám nắng như đồng hun“đầu đội trời chân đất”, nói cười oang oang về cái sướng nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn!

Một tối tháng 11 tôi đến Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023. Chao ôi người đông nghẹt! Rộn ràng tấp nập hơn cả Hội Chùa Hương hay Hội Lim xứ Bắc đã tồn tại phát triển cả trăm năm!

Già trẻ gái trai, ai ai cũng tươi roi rói dưới ánh đèn muôn hồng ngàn tía lung linh!

Hướng theo ánh mắt mọi người, tôi sựng lại trước vẻ hoành tráng, đẹp hút hồn của biểu tượng Fesvtial tôm Cà Mau!

"Lực sỹ đước" đang xuống tấn, cơ bắp cuồn cuộn, hai tay nâng cao quả địa cầu! Sóng nước cuồn cuộn dâng trào cổ vũ! Hút hồn là con tôm khổng lồ đang ôm quả địa cầu! Mắt tôm như bình minh lấp lánh, bộ chân vàng oai phong dũng mãnh! Râu tôm vút bay về sau tưởng như lão tôm đang bay lên chốn cung đình của Ngọc Hoàng Thượng Đế!

Đêm Festival tôm Cà Mau huyền ảo lung linh!

Cám ơn người họa sĩ tài hoa đã sáng tác cho tôm một tác phẩm diệu kỳ! Dòng tộc nhà tôm chắc là tự hào lắm! Đúng ra là người Cà Mau tự hào về thành quả lao động sáng tạo xuyên suốt bao đời, nâng con tôm lên tầm cỡ thế giới!

Con tôm ôm quả địa cầu là biểu tượng, là nghệ thuật, song rất thực, gắn liền với người và đất Cà Mau trong suốt chiều dài lịch sử của miền đất huyền thoại này!

Chưa thấy công trình nghiên cứu nào công bố con tôm con cua và các loài hải sản sinh tồn ở Đất Mũi từ bao giờ! Tôi mạo muội phỏng đoán rằng, từ cái thuở những hạt phù sa biển và những trái mắm đậu lại, cư trú ở nơi này, bãi bồi xuất hiện trồi lên khỏi mặt nước! Những hạt mắm bung nở, đâm chồi nẩy lộc bất chấp sóng gió của biển khơi! Những cây mắm non tơ tựa vào nhau, ưỡn ngực chắn sóng cho rễ từ lòng đất tua tủa mọc ngược lên, giữ lại lượng phù sa bị sóng đánh vào...

Trợ lực cho cây mắm là cây đước luôn ở phía sau. Đước phát triển rất nhanh xanh tốt, vươn cao, cùng mắm ngày đêm lấn biển! Mắm trước, đước sau cứ vậy năm này qua năm khác, đời này qua đời khác thế kỷ này qua thế kỷ khác, cây mắm cây đước cùng bao loài cây khác mọc thành rừng! Rồi thành Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau, là khu Ramsar 5 của Việt Nam và khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới!

          Có lẽ khi mắm đước, vạn vật tạo nên rừng, thì đó là thời điểm họ hàng nhà tôm rời biển cả, ở lại với rừng từ ấy đến bây giờ? Thời gian phải tính bằng thiên niên kỷ!

Con người mới chỉ biết đến con tôm trên vùng đất này khoảng 300 năm! Họ là những người đầu tiên tìm đến đây khai hoang, mở cõi, dựng làng, lập ấp!

300 năm hình thành với bao thăng trầm, công sức và trí tuệ của con người, đã đem đến cho vùng đất mới diện mạo xanh tươi, đầy sức sống, gắn liền với việc lao động trồng trọt, đánh bắt chế biến hải sản, trong đó có việc khai thác “mỏ”tôm!

Con tôm Cà Mau từ đánh bắt tự nhiên, nuôi tự nhiên, rồi nuôi quảng canh, thâm canh…nhưng độc đáo có một không hai thì chỉ ở Cà Mau mới có, đó là nuôi tôm sinh thái có chất lượng và giá trị cao từ hình thức nuôi xen canh tôm - rừng, luân canh tôm - lúa.

Đi giữa rừng tôm sinh thái Cà Mau, quan sát những người nông dân cơ bắp cuộn cuộn, da rám nắng như đồng hun“đầu đội trời chân đất”, nói cười oang oang về cái sướng nuôi tôm dưới tán rừng, họ bảo:

Nuôi tôm sinh thái là thả nuôi dưới tán rừng ngập mặn, có độ che phủ, xanh biếc mát rượi! Rễ đước giữ nước, tán lá che chắn nắng mưa… Tôm tự kiếm thức ăn trong môi trường tự nhiên. Nguồn thức ăn chủ yếu là tảo biển hay vi sinh được lấy từ thủy triều ra vào hằng ngày. Người nuôi không cho tôm ăn bất kỳ loại thức ăn gì, kể cả thức ăn công nghiệp. Chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng rất được thị trường ưa chuộng. Giá bán gấp đôi so với nuôi tôm thông thường. Bây giờ tôm rừng sinh thái Cà Mau đang ngày đêm đến những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật, EU!

Nhớ lại chuyện của con tôm cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước. Thời ấy có một đoàn khách của Đại sứ quán Thụy Sĩ do Bộ Thủy sản dẫn đi thăm Cà Mau.

Bữa chiêu đãi khách ngoại được dọn dưới tán rừng đước!

Món thực phẩm đặc biệt là con tôm rừng vừa được chài lên chế biến "chiêu đãi"!

Khách tròn mắt ngắm rừng, ăn tôm, gật gù thích thú khen cực kỳ ngon!

Thế là con tôm Cà Mau xuất ngoại!

Ấy là chuyện của cuối thế kỷ trước, còn chuyện của bây giờ càng hấp dẫn hơn, bài bản hơn về sự hút hồn của con tôm Cà Mau.

Chuyện là vầy: Cuối tháng 7 năm 2023, Đoàn Doanh nghiệp Mỹ do ông George Chamberlain, Chủ tịch Trung tâm Thủy sản có trách nhiệm (TCRS) và nhà mua của Shrimp Summit 2023 (Hoa Kỳ) dẫn đầu, vượt nửa vòng trái đất đến Việt Nam, xuống tận Cà Mau khảo sát thực tế tại vùng ươm tôm giống, vào “tận mục sở thị” rừng ngập mặn nuôi tôm, ngắm nghía tìm hiểu quy trình chế biến …  

Ông George Chamberlain đánh giá cao mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn, vì đây là mô hình con tôm có giá trị dinh dưỡng cao và mang lại giá trị bền vững cho người nuôi. Bên cạnh đó, thành viên đoàn là các nhà mua, đánh giá cao mặt hàng tôm tại Cà Mau. Mong muốn sẽ có cơ hội hợp tác và đưa con tôm Cà Mau đến với người tiêu dùng Hoa Kỳ!

Chính hình thức nuôi tôm sạch này đã góp phần tạo nên thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng thế giới!

Có nhiều cách nói về quy mô và chất lượng tôm Cà Mau: “Vương quốc tôm”, “Mỏ tôm”. Cách nói hình ảnh ấy là có cơ sở! Bởi vì ở Việt Nam, Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất có 3 mặt giáp biển, có chiều dài bờ biển là 254km. Với Ngư trường trên 80.000km2 và một vùng đất ngập mặn ven biển màu mỡ, rất thích hợp cho nghề nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm.

Thực tế lịch sử cho thấy xuất phát từ một đặc điểm nào đó ở đất, ở nước, ở thời tiết… của một vùng đất cụ thể, cùng với sức sáng tạo của con người, đã cho ra một sản phẩm nổi tiếng mà sản phẩm cùng loại ở nơi khác không thể nào có được!

Thị trấn Mao Đài gần Tuân Nghĩa tỉnh Quý Châu Trung Quốc là quê hương của rượu trứ danh Mao Đài nổi tiếng 300 năm, không nơi nào ở Trung Hoa sản xuất được rượu ngon như vậy!

Nước Nga có một sản phẩm mà bao đời nguyên thủ quốc gia thường làm quà tặng cho nguyên thủ nước bạn đó là trứng cá hồi ở vùng Kamchatka, một bán đảo lớn ở Viễn Đông của nước Nga, đây là nơi sản xuất trứng cá hồi đỏ nổi tiếng thế giới của đất nước này.

Thiết nghĩ: Tạo hóa đã ban cho sự độc đáo cho rừng, biển miền cực Nam Tổ Quốc, con người Cà Mau đã và đang trên hành trình đưa con tôm sinh thái vào hàng trứ danh trên toàn cầu!  

Một trong những hoạt động trên hành trình ấy là tổ chức Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023!

Tại đây Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận thành tích tuyệt vời của Cà Mau:“Ngành tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngoài nuôi siêu thâm canh còn có những loại hình nuôi bền vững ít nơi nào có được như tôm - rừng, tôm – lúa đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ”.  

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt: “Hàng năm, tổng sản lượng thủy sản của Cà Mau đạt trên 600.000 tấn, riêng sản lượng tôm đạt trên 250.000 tấn, chiếm khoảng 22% của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 1,2 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào sự kiện lần đầu tiên Việt Nam vượt mốc 10 tỷ USD xuất khẩu thủy sản và là quốc gia cung ứng tôm lớn thứ hai thế giới. Sản phẩm tôm Cà Mau tự hào đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 4 thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc. Ngày nay, con tôm đã thật sự trở thành sản phẩm không thể tách rời với đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân Cà Mau”

Con tôm Cà Mau không còn là con tôm của rừng đước của đồng lúa, bây giờ nó là thương hiệu! Thương hiệu nổi tiếng toàn cầu! Một phần ba nước và vùng lãnh thổ trên thế giới rất thích ăn con tôm Cà Mau và khen ngon nức nở! Bởi vậy không nổi tiếng, không tự hào sao được!

Với vị trí địa chính trị, địa lý, đặc điểm khí hậu, điều kiện tự nhiên độc đáo Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,65 tỷ USD; đưa thuỷ sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, trong đó, giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực chính là con tôm.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt khẳng định: “Với vị trí địa chính trị, địa lý, đặc điểm khí hậu, điều kiện tự nhiên độc đáo đã đem lại cho Cà Mau nhiều sản vật đặc sản nhất trong vùng Bán đảo Cà Mau cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long; nhiều sản vật đặc sản của Cà Mau được đánh giá thơm, ngon hơn sản vật cùng loại ở các nơi khác trong vùng; nhiều loài tôm, cua, cá của Cà Mau đã nổi tiếng từ lâu và được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng. Bên cạnh đó, Cà Mau còn giữ được nhiều diện tích rừng đước, rừng tràm nguyên sinh, được ví như Nàng tiên còn say ngủ; đây cũng chính là niềm đam mê của du khách khi đến với Cà Mau, là tiềm năng mà tỉnh Cà Mau đang mời gọi các nhà đầu tư cùng khai thác”.

Cà Mau đã “xây tượng” con cua tại khu du lịch Đất Mũi Cà Mau.

Ước ao một ngày nào đó con tôm ôm quả địa cầu cũng được đúc tượng sừng sững giữa đất trời!

Ngày đó có lẽ không xa./.

Tác giả: Trần Lượng