image banner
  Nhiệt liệt chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)!                                     Đảng Cộng sản Việt Nam - Người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam!                                                                                                 Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn!
Thống kê truy cập
  • Đang online: 24
  • Hôm nay: 417
  • Trong tuần: 11,221
  • Tất cả: 3,316,790
“GIEO CHỮ” NƠI ĐẤT BIỂN
Lượt xem: 722
Vượt qua những khó khăn đặc thù của địa phương ven biển, diện mạo trường lớp xã nghèo Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân) hôm nay thay đổi rõ nét, chất lượng giáo dục nâng lên, công tác xóa mù chữ đạt tỷ lệ cao. Phía sau những thành công đó có đóng góp không nhỏ của những người thầy âm thầm gieo chữ.  

  * 20 năm lặng lẽ những chuyến đò

    Đó là câu chuyện xúc động về người đưa đò - thầy giáo Trần Văn Một, giáo viên trường Tiểu học Việt Khái 2. Quê ở xã Phú Hưng (huyện Cái Nước), thầy Một về cửa biển Gò Công lập nghiệp năm 1990.

    Nhớ lại những năm mới về đây, thầy Một kể: “Cuộc sống và công tác giảng dạy khó khăn nhiều lắm. Lương thấp, trường lớp ọp ẹp, giao thông cách trở, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Cũng có nhiều đồng nghiệp rời trường đi nơi khác. Nhưng mình nghĩ, bà con ở đây vất vả hơn mình, họ sống được thì mình sống được. Con em họ cần mình ”.

   Các thế hệ học sinh nơi này cần thầy thật. Bởi sau nhiều năm dành dụm, thầy Một mua được chiếc xuồng máy đi dạy, cũng từ đó thầy tự nguyện chở học sinh đi học. Điều đặc biệt ở đây là thầy không tiện đường đưa rước. Mỗi chuyến đò, từ nhà mình ở xóm Sào Lưới Lớn, thầy chạy ra xóm Đảo, rước học sinh xóm Đảo, chạy vòng về đường cũ đến trường. Mỗi ngày thầy rước học sinh vào lúc 6h20 và 12h40, đưa về khi tan trường mỗi buổi. Những ngày đi dạy 1 buổi thì buổi còn lại thầy vẫn đưa rước các em. Gia đình em nào có điều kiện thì phụ thầy 5000 đồng mỗi ngày, còn các em có hoàn cảnh khó khăn thì thầy rước đưa miễn phí. Và dù học sinh nghèo nhiều, đồng lương ít, xăng dầu tăng giá nhưng những chuyến đò của thầy Một vẫn đều đặn chở các em nhỏ đến trường. 

   Thầy Phan Duy Thắng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Khái 2 chia sẻ: “Trước đây địa phương còn nhiều nơi cách trở cầu đường, đặc biệt là xóm Đảo. Phụ huynh theo nghề biển rất nhọc nhằn, đưa rước con không đều đặn, thường trễ giờ, lỡ buổi, làm ảnh hưởng chất lượng học của các em rất nhiều, thậm chí nhiều gia đình chấp nhận cho con bỏ học. Nhưng những chuyến đò đưa rước học sinh nghèo miễn phí của thầy Trần Văn Một đã giúp các em tiếp tục đến trường. Việc làm ấy góp phần rất lớn trong công tác duy trì sĩ số, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học và làm tốt công tác xóa mù chữ ở địa phương”.

   Với tình yêu thương đặc biệt, khi đến trường thầy dạy các em biết chữ, dạy các em lễ, nghĩa và kiến thức chương trình, khi bước xuống đò thầy dạy các em kỹ năng đi sông nước, kỹ năng che gió, chắn nước tạt, tránh ướt mưa, dạy các em biết cách mặc áo phao, ý thức không đùa giỡn trên đò, dạy các em biết chia sẻ, giúp đỡ nhau…Cứ như vậy, lặng thầm thầy mang đến cho phụ huynh sự an tâm, lòng tin cậy, biết ơn.

   20 năm, bao nhiêu học sinh được thầy chở đến trường không thể nào nhớ được. Chỉ biết rằng, rất nhiều em đã học tiếp lên các bậc học cao hơn, trưởng thành và thực hiện được ước mơ thoát nghèo của cha mẹ chúng từ những chuyến đò ân nghĩa của thầy. Năm học này, giao thông nối mạch, các em đến trường trên con lộ mới khang trang. Bóng dáng người thầy giáo lái con đò vượt sóng, chở ước mơ của học sinh vùng biển đến trường sẽ còn là kỉ niệm. Nhưng câu chuyện đẹp ấy sẽ luôn  hiện hữu trên mỗi bước tiến của giáo dục địa phương.

*  Vì những nụ cười trẻ thơ

    Nụ cười của học sinh nghèo là mục tiêu trong suốt hành trình nỗ lực của thầy Đào Việt Khái – giáo viên Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Việt Khái 3. Hành trình đó bắt nguồn từ trăn trở: “ Làm sao để học sinh nghèo được đến trường, đến trường rồi phải đầy đủ điều kiện học hành, phải hòa đồng với bạn, phải được vui chơi, được hưởng thụ đầy đủ những điều kiện để phát triển bản thân”. Và thầy Khái đi tìm giải pháp bằng cách hóa thật những dự định của mình.

    Mùa khai trường, không thấy những gương mặt thân quen đến lớp, thầy hỏi thăm, liên hệ rồi tìm đến gia đình. Biết từng hoàn cảnh khó, có em vì cha mẹ đi làm ăn xa, ông bà không đủ tiền mua tập học, có em không có phương tiện đến trường…Thuyết phục được gia đình tạo điều kiện cho các em đi học lại. Rồi thầy đi xin tài trợ, phát động học sinh trong toàn trường tặng sách giáo khoa cũ cho những bạn nghèo. Những chiếc xe đạp, những suất học bổng được trao nâng bước các em trở lại với thầy cô, bè bạn.

   Mùa Trung thu, thầy tổ chức các hoạt động vui chơi, vận động mạnh thường quân trao quà bánh cho học sinh toàn trường. Điều đặc biệt là các trò chơi được thầy tổ chức là những trò chơi dân gian. Bởi thầy nghĩ, các trò chơi dân gian giúp các em hòa đồng, thân thiện, đoàn kết với nhau, các em không chỉ được vui chơi lành mạnh mà còn luyện rèn nhiều đức tính tốt đẹp, tâm hồn được thấm dần những nét văn hóa truyền thống địa phương.

   Mùa tết đến xuân về, thầy tổ chức các chương trình văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức gửi trao những bộ áo quần áo mới từ phong trào “Tấm áo tặng bạn” của Liên Đội trường.

   Cứ như vậy, mỗi năm từ 15 đến 30 bộ quần áo, hơn 20 triệu đồng học sinh khó khăn được nhận và đặc biệt là chương trình “Giai điệu sẻ chia” với tổng kinh phí 120 triệu đồng là động lực để thầy Đào Việt Khái không cho phép mình dừng lại việc hoàn thành vai trò Tổng phụ trách Đội, mà nỗ lực kết nối yêu thương để học sinh nghèo được nhận sự chăm lo nhiều nhất. Vất vả chồng chất, nhưng thầy tự hào khi mỗi việc mình làm nhận được sự đồng thuận của đồng nghiệp, sự hỗ trợ của lãnh đạo nhà trường và niềm tin của các ban, ngành, đoàn thể, các mạnh thường quân đã giúp thầy Khái tiếp tục thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết, sống trọn vẹn với nghề, để những nụ cười học sinh vùng khó khăn luôn rạng rỡ .

 * Lớp học U60 nơi cửa biển

    Bà Hồ Thị Nê, 60 tuổi (ấp Gò Công Đông) bồi hồi kể lại ngày đầu tiên đến lớp: “Lúc cô giáo vận động tui thấy thích vì mình cũng muốn biết chữ, nhưng khi đi học tụi nhỏ trong xóm chạy theo chọc ghẹo, nói già rồi mà còn đi học, làm tui ngại lắm. Mấy lần tui định bỏ, nhưng cô giáo nói phải chịu khó đi học, tập đánh vần để biết đọc, biết đọc mới hết nghèo, nên tui ráng…!”. Cô giáo trong lời kể của bà Hồ Thị Nê là cô Đào Thị Thanh An, hiện là Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân.

   Cô giáo An từng là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn. Vì hoàn cảnh gia đình, năm 2001 cô rời bục giảng. Sau khi ổn định cuộc sống, cô tham gia công tác phụ nữ cơ sở. Với tình yêu thương, khả năng dân vận tốt, cô đã đóng góp rất nhiều cho công tác an sinh xã hội ở địa phương. Cũng chính từ tình yêu thương cùng với tâm huyết, khát khao mong được giúp phụ nữ nghèo đỡ phần cơ cực mà lớp học tình thương dành cho các bà, các mẹ được ra đời.

hinh co ne.jpg

   Cô An trải lòng: “ Mình cảm thông khi các chị, các bà đa số là đồng bào dân tộc Khmer mù chữ. Vì mù chữ mà luôn thiệt thòi. Vì mù chữ mà cuộc sống khổ nghèo cứ đeo đẳng mãi. Chỉ có biết chữ mới mong giao tiếp tốt, tính toán làm ăn mới không thua thiệt.” Có lần cô cười mà nghẹn đắng khi nghe một chị kể chuyện lên chợ để nhổ răng. Chồng chở vợ đi, được chỉ đường đến phòng khám bác sĩ nha khoa nhưng không nhớ đường, không đọc được bảng hiệu phòng khám, vợ chồng dặn nhau nhìn thấy bảng có vẽ hàm răng thì dừng lại, nhưng tìm mãi không thấy đành quay về mà không nhổ được răng.

   Nghĩ đến phương pháp xóa mù chữ bằng lớp học tình thương, cô An bắt tay thực hiện khi nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ của Đảng ủy, UBND xã. Vất vả không ít với những ngày lội bộ đến từng gia đình vận động, phải nhờ thêm anh bộ đội biên phòng đi cùng vì cô An không biết tiếng Khmer. Được 15 học viên cho lớp học đầu tiên là niềm vui khôn tả. Nhưng rồi ngày khai giảng chỉ có 3 học viên đến lớp. Mọi người khuyên cô bỏ cuộc, nhưng cô bảo: “ Đã hứa với bà con thì mình phải làm cho bằng được”. Cô lại đến từng nhà, nắm bắt tâm tư từng người. Người muốn bỏ vì mắc cỡ như bà Hồ Thị Nê thì dễ thuyết phục, còn các bà phải trông cháu cho con đi biển, các chị phải lo vá lưới, làm cá, làm khô tất bật lúc ghe biển vô thì thực sự không có thời gian đến lớp. Mong muốn biết chữ với các bà, các chị không bằng mong muốn con cháu mình no cái bụng.

   Thương và hiểu, cô An tìm mọi cách tháo gỡ. Những bà phải trông cháu thì dẫn cháu theo. Bà vào lớp học, cháu lớn chơi bên ngoài, cháu nhỏ thì trải chiếu cho ngồi chơi. Mỗi buổi đến lớp cô An mang theo đồ chơi trẻ em, mua theo nhiều bánh kẹo, các cháu nhỏ có bánh ăn, có đồ chơi không quấy khóc để cho bà của mình tập ghép vần. Những mùa biển động, cô đi xin gạo cho lại học viên. Rồi cô cũng linh hoạt giờ học trong những ngày ghe đánh cá vào, các học viên được cô An động viên cũng hết sức cố gắng, có hôm đến lớp mà quần còn vận lưng, ống cao ống thấp, tay chân đầy vẩy cá…

   Vậy mà lớp học xóa mù chữ được duy trì, tập hợp thêm ngư phủ chưa biết chữ trên địa bàn. Đến nay đã giúp cho 43 học viên biết đọc, biết viết và các phép cộng trừ đơn giản. Cô An cho biết, hiện đang rà soát trình độ của ngư dân mới chuyển đến địa phương sinh sống, tiếp tục vận động và khai giảng lớp mới.

   Lớp mới rồi sẽ lại bắt đầu, tiếng ghép vần đồng thanh sẽ lại vang lên giữa trời chiều nơi cửa biển Gò Công chan chứa khát vọng của cô An: Xóa mù chữ, tạo niềm tin, vận động chị em vào Hội, từ đó có chính sách giúp đỡ để chị em thoát nghèo. Và dù các bà, các chị có trước nhớ sau quên, vì chật vật mưu sinh rồi lại tái mù chữ thì cô An vẫn tiếp tục vận động đi học lại, vẫn kiên trì mở lớp, dẫu trên đôi vai cô ngoài lớp học tình thương này còn bao nhiêu công việc không kể hết thành tên.

   Vượt lên những vất vả, nhọc nhằn các thầy cô đã cống hiến bền bỉ. Những nghĩa cử cao đẹp đó không chỉ có ý nghĩa đối với công tác giáo dục những năm qua mà còn là động lực để đội ngũ giáo viên xã nhà không ngừng phấn đấu, tiếp tục chung sức cùng Đảng bộ xây dựng địa phương. Đó là những đảng viên tiêu biểu trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” xứng đáng được tôn vinh, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Việt Khái Huỳnh Hùng Cường tự hào.

Tác giả: Đỗ Xuân Hồng