image banner
  Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5   
Thống kê truy cập
  • Đang online: 47
  • Hôm nay: 1,069
  • Trong tuần: 15,424
  • Tất cả: 3,579,819
Đề cương Văn hóa Việt Nam và sự phát triển văn học, nghệ thuật
Lượt xem: 436
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là nền tảng lý luận quan trọng hình thành các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng gắn với mỗi giai đoạn cách mạng. 

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là nền tảng lý luận quan trọng hình thành các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng gắn với mỗi giai đoạn cách mạng. Dưới ánh sáng của Đề cương soi rọi, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã có nhiều thành tựu giá trị, đóng góp vào công cuộc xây dựng nền văn hóa dân tộc, hiện thực và nhân văn; phát huy truyền thống văn hiến của dân tộc, hội nhập quốc tế và văn minh nhân loại bằng bản sắc độc đáo và những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

Tham luận sau đây làm rõ quan điểm cơ bản về văn hoá, văn nghệ và giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943; làm rõ quá trình phát triển của văn học, nghệ thuật qua những chặng đường lịch sử và cuối cùng là đề xuất những định hướng, giải pháp cơ bản để phát triển văn nghệ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

1. Đề cương Văn hóa Việt Nam và những giá trị đối với văn học, nghệ thuật

80 năm về trước, tháng 02/1943, Đề cương Văn hoá Việt Nam - văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hoá, văn nghệ do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Kết cấu Đề cương gồm 05 phần: Phần thứ nhất: “Cách đặt vấn đề”; phần thứ hai: “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; phần thứ ba: “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”; phần thứ tư: “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam” và phần thứ năm: “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam”.

Bản Đề cương văn hóa Việt Nam là văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa; đã đặt các mặt, các yếu tố trong mối quan hệ qua lại tất yếu với nhau, qua đó, làm nổi bật hệ thống các quy luật đã và đang chi phối sự vận động và phát triển của văn hóa Việt Nam; vạch ra lộ trình của cuộc vận động văn hóa Việt Nam với những hình thức, bước đi và mục tiêu phù hợp với điều kiện lịch sử; đã xác định dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa là ba nguyên tắc vận động cho cuộc vận động văn hóa Việt Nam đương đại; tư tưởng xuyên suốt là vấn đề về văn hóa giải phóng và giải phóng văn hóa Việt Nam khỏi xiềng xích của văn hóa trung cổ và nô dịch. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đề cương văn hóa Việt Nam là một cương lĩnh làm nền tảng chỉ đạo tiến trình phát triển văn hóa ở nước ta.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” .

Thuật ngữ văn hóa xuất hiện khá sớm trong lịch sử tư tưởng loài người, phản ánh tổng thể và sống động những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo nên trong quá trình hoạt động thực tiễn. Tùy theo đặc điểm các giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội và cách tiếp cận khác nhau, khái niệm văn hóa được sử dụng với nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong vô vàn cách hiểu, các định nghĩa về văn hóa, ta có thể tạm quy về hai loại. Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng như lối sống, lối suy nghĩ, lối ứng xử… Văn hóa hiểu theo nghĩa hẹp như giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức… Nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hoá là nói đến những gì tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh thành những giá trị tốt đẹp và ngày càng được bổ sung, phát triển trở thành một khái niệm có nội hàm hết sức phong phú.

Theo Từ điển Tiếng Việt, văn học là một loại hình sáng tác tái hiện những vấn đề của cuộc sống xã hội và con người thông qua sự hư cấu của phương thức sáng tạo và thông qua một ngôn ngữ thẩm mỹ được dùng làm chất liệu biểu hiện. Còn nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng sinh động, cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền đạt tư tưởng, tình cảm. Nếu xét về mặt cấu tạo từ, từ ghép “văn nghệ” được hình thành từ “văn học” và “nghệ thuật”, bao gồm văn học, hội hoạ, điêu khắc - kiến trúc, âm nhạc, kịch, múa, sân khấu - điện ảnh. Hay nói cách khác, giữa văn nghệ và văn học - nghệ thuật có mối quan hệ bao hàm lẫn nhau, vì vậy khi đề cập đến văn nghệ là đề cập đến văn học và nghệ thuật.

Trong tiến trình phát triển, văn nghệ nước nhà bao giờ cũng chịu sự tác động không chỉ của những biến động xã hội mà còn của những biến đổi văn hóa, giữa văn hóa và văn nghệ có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động lẫn nhau. Song, văn hóa vẫn giữ vai trò là nguồn cội của văn nghệ, để cung cấp chất liệu, vốn sống, tri thức, cảm hứng, nhằm tạo nên những dự phóng sáng tạo của giới văn nghệ sĩ. Đời sống xã hội có hai mặt vật chất và tinh thần. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất thì văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội. Xã hội không thể đứng vững nếu thiếu đi một trong hai nền tảng ấy, chính vì vậy có thể nói văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế. Nghị quyết Trung ương 5 viết: “Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện” ([2]). Đối với chính trị, văn hóa có mối quan hệ biện chứng theo cả hai chiều. Nếu chính trị định hướng và tạo môi trường cho sự phát triển của văn hóa, thì văn hóa cũng phải đi cùng, tham gia tích cực vào chính trị và phổ nét văn hóa vào tư tưởng, tổ chức, cấu trúc và hành xử chính trị, thậm chí điều chỉnh tư tưởng và hành xử, góp phần tối ưu hóa các quyết sách chính trị, tạo nên “văn hóa chính trị”.

Bên cạnh chính trị và kinh tế, văn hóa Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 80 năm trước, vào tháng 02/1943, Đảng ta đã ban hành bản Đề cương về văn hóa Việt Nam. Văn kiện ra đời trong bối cảnh đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ chịu ảnh hưởng của nhiều luồng tư tưởng, không tìm ra lối thoát cho sự phát triển của văn hóa dân tộc. Có thể xem Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trước khi cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là văn kiện khai phóng, cắm mốc lịch sử tư duy chiến lược sâu sắc về việc Đảng vô sản phải kịp thời nắm quyền lãnh đạo văn hoá, văn nghệ, tổ chức tập hợp đội ngũ trí thức văn hoá, văn nghệ sĩ trong mặt trận dân tộc thống nhất, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, chấn hưng nền văn hóa mới của dân tộc, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Đề cương về văn hóa Việt Nam đã giúp cho chúng ta khai sáng, thức tỉnh, định hướng văn nghệ theo con đường cách mạng, trong đó lấy vận mệnh đất nước đặt lên hàng đầu. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, Bác Hồ có nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” thì tư tưởng, quan điểm này thực sự giúp cho văn hóa vực dậy đất nước. Ngày 10/12/1951, Bác Hồ đã viết thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951, bức thư thể hiện tình cảm và sự quan tâm của vị lãnh tụ đối với các nghệ sĩ tạo hình cũng như đối với văn học nghệ thuật. Bác viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Bác nhấn mạnh đến nhiệm vụ, lập trường, tư tưởng không chỉ riêng cho các họa sĩ mà còn cho cả những người làm công tác văn học, nghệ thuật nói chung. Bác nhắc nhở: “Chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng”, “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị” .

2. Chặng đường phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam (từ năm 1945 đến nay)

Sự lãnh đạo của Đảng với đường lối văn nghệ xuyên suốt là yếu tố trọng yếu chấm dứt sự phân hóa phức tạp của văn học, nghệ thuật nước ta dưới ách thực dân, tạo nên một nền văn nghệ thống nhất sau năm 1945.

2.1. Giai đoạn 1945-1954

Các sáng tác phản ảnh không khí hồ hởi mê say khi mới dành độc lập, ca ngợi “cuộc tái sinh màu nhiệm” của dân tộc và gắn bó sâu sắc với đời sống cách mạng và kháng chiến chống Pháp; hướng tới khám phá sức mạnh và phẩm chất tốt đẹp của quần chúng công nông binh; thể hiện niềm tự hào dân tộc và niềm tin vào tương lai tất thắng của kháng chiến.

* Về văn học:

Các tác phẩm văn học tiêu biểu: Vui bất tuyệt của Tố Hữu, Ngọn quốc kỳ của Xuân Diệu, Một lần tới thủ đô của Trần Đăng, Truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, Truyện ngắn Làng của Kim Lân, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Truyện Tây Bắc của Tô Hoài, Cảnh khuya của Hồ Chí Minh, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Tây tiến của Quang Dũng,…

* Về nghệ thuật:

- Một số vở kịch gây sự chú ý: Bắc Sơn, Những người ở lại của Nguyễn Huy Tưởng;…

- Hội họa: Du kích tập bắn của Nguyễn Đỗ Cung, Bác Hồ ở Bắc Bộ phủ của Tô Ngọc Vân, Bác Hồ với các cháu thiếu nhi của Diệp Minh Châu,…

- Một số bài hát tiêu biểu: Tiến về Hà Nội của Văn Cao, Lên Ngàn của Hoàng Việt, Mười Chín Tháng Tám của Xuân Oanh, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng của Phong Nhã,…

2.2. Giai đoạn 1955-1975

Các sáng tác chủ yếu bao trùm hình ảnh người lao động, những đổi thay của con người trong bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và khích lệ tinh thần giải phóng miền Nam. Nhiều tác phẩm đã thể hiện tình cảm sâu nặng với miền Nam ruột thịt, phản ánh cuộc sống chiến đấu và lao động, đã khắc hoạ khá thành công hình ảnh con người Việt Nam anh dũng, kiên cường, bất khuất với cảm hứng lãng mạn, lạc quan, bao quát nhiều vấn đề, nhiều phạm vi của hiện thực đời sống.

* Về văn học:

 Các tác phẩm văn học tiêu biểu: Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai, Trước giờ nổ súng của Phan Tứ, Vợ nhặt của Kim Lân, Mười năm của Tô Hoài, Mùa lạc của Nguyễn Khải, Cái sân gạch của Đào Vũ, Hoa ngày thường chim báo bão của Chế Lan Viên, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Rừng xà nu của Nguyên Ngọc,…

* Về nghệ thuật:

- Hội họa: Tát nước đồng chiêm của Trần Văn Cẩn, Tre của Trần Đình Thọ, Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An, Được mùa của Nguyễn Tiến Chung, Bữa cơm mùa thắng lợi của Nguyễn Phan Chánh, Phố Hà Nội của Bùi Xuân Phái,…

- Điêu khắc: Tượng nắm đất miền Nam của Phạm Xuân Thi, Liệt sĩ Võ Thị Sáu của Diệp Minh Châu, Vót chông của Phạm Mười,…

- Âm nhạc: Hành khúc ngày và đêm của Phan Huỳnh Điểu, Biết ơn Võ Thị Sáu của Nguyễn Đức Toàn, Bài ca hy vọng của Văn Ký, Giải phóng miền Nam của Lưu Hữu Phước, Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà,…

- Điện ảnh: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội của Hải Ninh; Nổi gió của Huy Thành và Lê Bá Huyến;…

- Kịch múa: Ngọn lửa Nghệ Tĩnh của Tập thể lớp biên đạo múa Tổng cục Chính trị,…

2.3. Giai đoạn 1976 đến cuối thế kỷ XX

Những sáng tác chủ yếu tổng kết, khái quát về chiến tranh thông qua sự trải nghiệm riêng của mỗi văn nghệ sĩ trong suốt những năm trực tiếp cầm súng. Với những vấn đề của đời sống, một số tác giả đã bộc lộ ý thức muốn đổi mới cách viết về chiến tranh, tiếp cận gần hơn hiện thực đời sống để cùng nhau xây dựng xã hội chủ nghĩa sau những năm tháng đau thương, mất mát.

Từ sau năm 1975 và nhất là từ năm 1986, nền văn nghệ Việt Nam từng bước chuyển sang giai đoạn mới. Có thể xem từ năm 1975 đến năm 1985 là chặng đường chuyển tiếp mà giới văn nghệ sĩ trăn trở, tìm kiếm con đường đổi mới. Còn từ năm 1986 trở đi là chặng đường đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và khá toàn diện. Nhìn chung, văn nghệ Việt Nam giai đoạn này đã vận động theo khuynh hướng dân chủ hoá, mang tính nhân bản, nhân văn sâu sắc; phát triển đa dạng hơn về đề tài, chủ đề; phong phú và mới mẻ hơn về thủ pháp nghệ, cá tính sáng tạo, đổi mới cách nhìn nhận, cách tiếp cận con người và hiện thực đời sống; đã khám phá con người trong những mối quan hệ đa dạng và phức tạp, thể hiện con người ở nhiều phương diện của đời sống hiện thực.

* Về văn học:

- Thơ ca: Trường ca Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Trường ca sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu, Tự hát của Xuân Quỳnh, Ánh trăng của Nguyễn Duy,…

- Văn xuôi: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành và Bến quê của Nguyễn Minh Châu, Đứng trước biển và Cù lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn, Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải, Mưa mùa hạ và Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Thời xa vắng của Lê Lựu,…

* Về nghệ thuật:

- Kịch nói: Một số tác phẩm đã gây được tiếng vang như Hồn Trương Ba, da hàng thịt và Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ, Mùa hè ở biển của Xuân Trình,...

- Điện ảnh: Ván bài lật ngửa của đạo diễn Nguyên Khôi, Cánh đồng hoang của Nguyễn Hồng Sến,…

- Âm nhạc: Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của Nguyễn Văn Tý, Chúng em cần hòa bình của Hoàng Long,…

2.4. Giai đoạn từ những năm 2000 đến nay

Trong giai đoạn này nền văn nghệ Việt Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ về hình thức lẫn nội dung sáng tác. Các tác phẩm có nhiều luồng, nhiều xu hướng khác nhau nhưng trong sự phát triển đa dạng đó, thì văn học nghệ thuật Việt Nam về chủ nghĩa yêu nước và nhân văn nắm giữ dòng chủ đạo, gắn bó sâu sắc với vận mệnh của dân tộc và đất nước, phản ánh chân thực cuộc đấu tranh cách mạng, công cuộc lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân. Chủ nghĩa nhân văn, tinh thần dân tộc, tính nhân đạo, lòng khoan dung luôn được phát huy và đề cao, trong đó thể hiện những nỗ lực cố gắng tìm tòi, phát hiện, nêu gương các nhân tố mới, tính dấn thân, dũng cảm nhìn vào sự thật, phát hiện những vấn đề nóng bỏng, bức xúc, khám phá và quan tâm đến thân phận con người, đấu tranh, lên án cái ác, cái xấu, phê phán sự tha hóa về nhân cách, sự biến chất về đạo đức và lối sống của con người. Các đề tài về dân tộc thiểu số cũng được quan tâm khai thác, là suối nguồn cảm hứng phong phú, đa dạng, vừa góp phần giữ gìn tính đa dạng các biểu đạt văn hóa, vừa tiếp tục khẳng định sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam.

* Về văn học:

Một số tác phẩm nổi tiếng như: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh; Ngọn đèn không tắt, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư;…

* Về nghệ thuật:

Nhiều tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam vươn tầm thế giới như: Bài hát Ghen Covy của Khắc Hưng; See tình của Hoàng Thùy Linh; Phim Bố già của đạo diễn Trấn Thành, Vũ Ngọc Đăng; Lật mặt 4: Nhà có khách của Lý Hải;…

3. Đánh giá chung văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập

Ở giai đoạn đổi mới, văn nghệ đương đại chịu tác động “đa chiều” của bối cảnh chính trị, xã hội, sự pha trộn giữa thời bình và thời chiến; giữa cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp và cơ chế thị trường; giữa cái cũ, cái quen thuộc và cái mới,... khiến những người sáng tạo văn học, nghệ thuật khó tránh khỏi những ngỡ ngàng và cả sự háo hức trước những điều mới lạ, phong phú, phức tạp của đời sống xã hội. Trong những năm qua, các quan niệm nghệ thuật không còn thuần nhất như trước mà trở nên đa dạng, tạo nên những “sắc màu” khác nhau trong sáng tác. Nền văn nghệ  giai đoạn này, về cơ bản, vận động theo tinh thần dân chủ, nhân văn. Người sáng tác mạnh dạn tạo nên sự bứt phá về bút pháp, dám nói, dám phản ánh những hiện thực trước đây được coi là “nhạy cảm”, thậm chí là “vùng cấm” và mạnh dạn thực hành những thủ pháp nghệ thuật mới, tiếp cận và hội nhập với văn hóa thế giới đương đại. Trong giai đoạn mới đã xuất hiện một đội ngũ văn nghệ sĩ với cách tư duy mới, cách sáng tác mới, góp phần tạo nên một giai đoạn văn học, nghệ thuật với những thành tựu đa thanh, đa sắc.

Bên cạnh những thành công, văn học, nghệ thuật hiện nay cũng đứng trước các thách thức không nhỏ. Sự tác động tiêu cực của kinh tế thị trường khiến không ít nhà văn, nhà thơ sa đà vào lối viết dễ dãi, dung tục, thương mại hóa nghệ thuật, đi quá xa những chuẩn mực văn hóa và đạo đức xã hội. Những mâu thuẫn giữa hội nhập với yêu cầu tiếp thu có chọn lọc văn hóa ngoại lai và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc... đã tạo nên sự “dùng dằng” hay “lạc lối” của không ít văn nghệ sĩ. Sự vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam những năm qua với sự xuất hiện và phát triển xen kẽ nhau của các thể loại, cả cũ và mới, cả truyền thống và du nhập từ nước ngoài, là một sự biến đổi hoàn toàn mới, trong đó đã và đang xuất hiện các ẩn số chưa thể giải đáp. Có quan niệm cho rằng trong thời kỳ hiện đại, văn học, nghệ thuật không còn chức năng nhận thức, giáo dục, mà chỉ là một “sân chơi” tự do của cá nhân, là trò chơi ngôn ngữ nghệ thuật - kể cả văn học và các loại hình nghệ thuật - từ đó, coi tác phẩm chỉ là sự thỏa mãn, biểu hiện không giới hạn nhu cầu cá thể, là sự giải trí thuần túy. Đồng thời, không ít tác phẩm chỉ là nơi buông thả những cảm xúc, suy tư cá nhân, tưởng là mới lạ nhưng nhạt nhẽo, vô bổ, đôi khi như trò chơi ú tim, khó hiểu và tăm tối. Trong sự biến đổi phong phú, phức tạp trên của thị hiếu người tiếp nhận đang có sự cùng tồn tại, đan xen nhau giữa cái cũ và cái mới, cái đúng và cái lệch lạc, cái đã định hình và cái đang trong quá trình tự tìm kiếm... Đặc điểm đó đã và đang tác động mạnh, sâu đối với đời sống, sáng tạo văn học, nghệ thuật, không chỉ hôm nay và chắc chắn đối với nhiều năm sắp tới.

4. Đề xuất những phương hướng, giải pháp để phát triển nền văn học, nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập

Cần nhận thức rằng, sự biến đổi, biến động của văn nghệ là một quy luật khách quan, và cao hơn là một sự phát triển của quá trình dân chủ hóa. Vấn đề đặt ra chính là tôn trọng sự phát triển hợp quy luật đó, đồng thời có năng lực định hướng, điều chỉnh và đáp ứng các nhu cầu tốt đẹp, lành mạnh, phong phú của nghệ thuật. Để thúc đẩy văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hơn, nhiều thành tựu hơn trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tôi xin đề xuất một số phương hướng, giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao, đổi mới, hoàn thiện tư duy của toàn hệ thống chính trị về bản chất, vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật. Cần xem văn nghệ là một bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa và phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội,… Không ngừng bổ sung, hoàn thiện và thể chế hóa mạnh mẽ Đề cương Văn hóa Việt Nam và những quan điểm, chủ trương về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế để thúc đẩy văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh đó, cần định hướng sáng tác cho giới văn nghệ sĩ để khẳng định niềm tin, bảo đảm quyền tự do sáng tạo của họ; xây dựng cơ chế tham vấn chuyên gia trước những hiện tượng văn học, nghệ thuật mới nảy sinh, tránh xử lý vội vàng, áp đặt.

Thứ hai, tạo điều kiện cho sự phát triển của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Cùng với việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, cần triển khai các giải pháp cụ thể nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của phê bình, tập trung nâng cao ý thức nghề nghiệp của người làm công tác phê bình, coi trọng việc đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm với thông tin, quan điểm, khuynh hướng sai trái, cực đoan, phản động trong văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản mà các thế lực thù địch, cơ hội tung lên các phương tiện thông tin hiện đại.

Thứ ba, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật, viết lý luận, phê bình, nhất là những tài năng trẻ. Đối với những người sáng tác trẻ có triển vọng, cần có những hình thức riêng phù hợp để tài năng được phát huy. Bên cạnh đó, cần tạo đột phá về cơ chế, chính sách để thu hút, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường văn hóa, nghệ thuật; đổi mới giáo trình; có chính sách ưu đãi tuyển sinh, đào tạo và giải quyết đầu ra cho sinh viên ngành văn học, nghệ thuật…

Thứ tư, bồi dưỡng, định hướng, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, nhất là giới trẻ. Cần có chương trình cụ thể, hấp dẫn để dạy cho các em học sinh biết phân biệt cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật, biết thưởng thức các giá trị văn học, nghệ thuật; nâng cao chất lượng sách giáo khoa, các chương trình văn học, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng; khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà phê bình, văn nghệ sĩ tham gia vào việc định hướng thẩm mỹ cho công chúng.

Ðề cương Văn hóa Việt nam năm 1943 - chiến lược đầu tiên về văn hóa của Ðảng đã đặt văn hóa là một cuộc cách mạng được tiến hành đồng thời với cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế. Quan điểm đúng đắn đó, được khẳng định lại trong nhiều nghị quyết của Ðảng. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao văn hóa, coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là sự bảo đảm cho phát triển bền vững: “Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người” .

Ở bất kỳ thời kỳ, giai đoạn phát triển nào, văn học, nghệ thuật cũng luôn đồng hành cùng với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; kịp thời truyền tải sâu sắc, toàn diện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần làm cho nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng phát triển để có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay”. Trong quá trình phát triển đó, mặc dù có những bước thăng trầm, song thời kỳ nào cũng xuất hiện những tác giả, tác phẩm xuất sắc, những đóng góp trí tuệ, sức lực có ý nghĩa to lớn của các văn nghệ sĩ, trí thức, góp phần khắc họa giá trị con người Việt Nam, xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà, bồi đắp và khơi dậy sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để đấu tranh chống chế độ thực dân cũ và mới, giành độc lập dân tộc và tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tựu chung lại, Đề cương Văn hóa Việt Nam là một trong những “vũ khí sắc bén” của dân tộc ta, giúp văn nghệ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của dân và quân trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Trải qua 80 năm, những tư tưởng vượt thời đại ấy vẫn còn nguyên giá trị và giúp văn học, nghệ thuật đưa đất nước, con người Việt Nam vươn tầm thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Đinh Xuân Dũng (2018), Văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại - những biến đổi và những ẩn số, Tạp chí Văn nghệ Quân đội điện tử.

2. Hồng Hà (2023), Sự phát triển của văn học nghệ thuật dưới ánh sáng Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Báo điện tử Tổ quốc.

3. Nguyễn Phú Trọng (2021), Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Trang Thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương.

4. PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ (2020), Văn học Việt Nam đương đại: Thành tựu và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Cộng sản.

5. TT (2021), Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Báo điện tử Cộng sản Việt Nam.

6. Wikiversity Beta, Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 1975, [https://beta.wikiversity.org/wiki/], truy cập ngày 10/3/2023.

 

 




Tác giả: Lê Hoàng Dự