image banner
  Nhiệt liệt chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)!                                     Đảng Cộng sản Việt Nam - Người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam!                                                                                                 Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn!
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 2,143
  • Trong tuần: 7,163
  • Tất cả: 3,268,451
Khởi nghĩa Hòn Khoai - niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau.
Lượt xem: 1000
Cách đây tròn 81 năm, chấp hành lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ, Ban chỉ huy khởi nghĩa của tỉnh được thành lập do đồng chí Trần Văn Thời- Bí Thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Tỉnh ủy đã khẩn trương triển khai kế hoạch khởi nghĩa: Khu vực I là Năm Căn (trong đó có Hòn Khoai); khu vực II là thị trấn Cà Mau và các xã xung quanh; khu vực III là thị xã Bạc Liêu và các xã, quận xung quanh. Nhà giáo - Nhà báo - Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Ngọc Hiển là người trực tiếp lãnh đạo và tổ chức cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai. Ngày 13/12 đánh dấu sự kiện trọng đại của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau. Khởi nghĩa Hòn Khoai đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Qua đó, đã khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tạo động lực, củng cố niềm tin tất thắng bằng khởi nghĩa vũ trang trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc không riêng ở Cà Mau mà lan rộng trên phạm vi cả nước.

 

Ngược dòng lịch sử, 81 năm trước, theo sự chỉ đạo của Xứ uỷ Nam kỳ, Ðảng bộ tỉnh Bạc Liêu (gồm 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu ngày nay) đã thành lập Ban khởi nghĩa do đồng chí Trần Văn Thời, Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban, đồng chí Quách Văn Phẩm, đồng chí Trần Văn Phán, Uỷ viên Thường vụ, cùng làm Phó trưởng ban. Các uỷ viên gồm: Trần Thị Lộc, Trần Văn Sớm, Nguyễn Văn Ðàn, Vũ Hoành, Nhượng và Phan Ngọc Hiển.

Chân dung Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Ngọc Hiển

 

Ban khởi nghĩa tỉnh đã phân tỉnh Bạc Liêu ra thành 3 khu vực: 1, 2 và 3, phân công lãnh đạo phụ trách khởi nghĩa. Chủ trương được triển khai đến tận các chi bộ Ðảng để lãnh đạo quần chúng nổi dậy. Tỉnh uỷ cũng chỉ đạo tổ chức đội tự vệ, du kích, thành lập nơi chuyên sản xuất vũ khí, làm cả súng, đạn, bom tay.

Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, Tỉnh uỷ đã chú trọng đến Hòn Khoai (thuộc khu vực 1). Khoảng tháng 8/1940, đồng chí Trần Văn Thời cử đồng chí Phan Ngọc Hiển trực tiếp ra Hòn Khoai xây dựng cơ sở.

Hòn Khoai ở phía Ðông Nam Mũi Cà Mau, cách bờ đất liền 20 km, là hòn lớn nhất, xung quanh còn có Hòn Lớn, Hòn Tương, Hòn Sao, Hòn Khói, Hòn Ðồi Mồi. So với mặt nước biển, điểm cao của Hòn Khoai là 318 m, nếu lấy điểm cao của đèn biển thì tới 335 m. Lúc đó, dân cư Hòn Khoai sống thưa thớt, chủ yếu là trồng rẫy và đánh bắt cá. Nhưng ở đây có nước ngọt nên thuyền bè thường lui tới lấy nước. Ðây cũng là điểm thuận lợi để ta thâm nhập vào đảo, tổ chức hoạt động mà bọn địch không phát hiện được. Hòn Khoai cũng là điểm du lịch thu hút rất đông lượng khách tham quan trong và ngoài nước.

 Thực dân Pháp chọn Hòn Khoai để xây dựng đèn biển, nằm trong hệ thống đèn Cần Giờ, Bãi Cạnh, Hòn Khoai, Phú Quốc. Về nhân sự và vật tư, đèn Hòn Khoai dưới quyền của Sở Hàng hải đèn biển và cọc tiêu do Olivier, người Pháp trông coi. Ngoài ra còn có Nguyễn Văn Cự (điện tín viên), Ðỗ Văn Sến, Ngô Văn Giảng, Nguyễn Văn Ðức (gác-dan nhà đèn), Ðặng Văn Cự (thợ máy), Ðỗ Văn Biên, Võ Văn Ðình (tài công). Ðèn biển Hòn Khoai có một trạm vô tuyến điện, hàng ngày có nhiệm vụ 2 lần phải liên lạc với Sài Gòn và các đèn biển bạn theo giờ quy định.

Ngày 13/12, khoảng 21 giờ như thường lệ, Olivier đến phòng điện đài đưa tin cho đồng chí Cự để phát. Các đồng chí phục sẵn ở cửa, nhảy tới ôm, vật ngã Olivier, với ý định bắt sống, nhưng Olivier chống cự quyết liệt, nên bị đồng chí Cát dùng hòn đá đập mạnh vào đầu, Olivier chết ngay tại chỗ.

 

Ðánh chiếm Hòn Khoai diễn ra nhanh chóng. Ðồng chí Phan Ngọc Hiển và anh em cho giải vợ, con Olivier ra ca-nô về Năm Căn. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên ca-nô, khi ca-nô gần tới đất liền, khẩu hiệu Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế cũng được trương lên. Khi về tới Năm Căn, chờ gần suốt đêm không liên lạc được với Ban chỉ huy khởi nghĩa khu vực 1, đồng chí Phan Ngọc Hiển cho quay ra Thủ Tam Giang, khống chế Lê Toàn Ðông phụ trách Trạm kiểm lâm Tân Ân, tịch thu toàn bộ vũ khí rồi quay ra Rạch Gốc, để vợ con Olivier ở lại trong nhà một tài công.

Trưa ngày 16/12, bọn địch ở Cà Mau cho 2 tàu chở lính Mã tà tiến vào Rạch Gốc. Do lực lượng địch mạnh, các chiến sĩ chuyển sâu vào rừng để bảo toàn lực lượng, chờ bắt liên lạc với Tỉnh uỷ. Ngày 22/12, sau nhiều ngày đêm nghĩa quân di chuyển trong rừng rậm, sông, biển, không còn lương thực, cả nước uống cũng cạn hết, đồng chí Phan Ngọc Hiển và các đồng chí khác đều bị địch bắt. Những ngày tiếp sau, địch liên tục càn quét, đốt phá toàn bộ nhà cửa ở Rạch Gốc, một số nhà dân ở Tân Hưng Tây, Tân Hưng, Thạnh Phú, chúng cướp tài sản và bắt 228 người. Chúng tra khảo dã man, nhiều người đã chết ngay trong lúc bị tra tấn.

Sau hơn 6 tháng giam cầm, sáng ngày 12/7/1941, chúng đưa 10 chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai ra xử bắn tại Sân vận động Cà Mau. Ðồng chí Phan Ngọc Hiển kiên quyết không cho chúng bịt mắt và đã nói lời từ giã đồng bào trước khi vĩnh biệt: “…Chúng tôi là những người cộng sản coi cái chết rất bình thường. Chúng tôi sẵn sàng chết để tranh đấu cho đồng bào được ấm no, nhất định những người kế tục chúng tôi sẽ tiêu diệt thực dân Pháp! Nhất định Việt Nam sẽ hoàn toàn độc lập!”…

Khi chúng đưa 10 đồng chí ra xử bắn, đồng chí Phan Ngọc Hiển hô to:

- “Ðả đảo đế quốc Pháp!

- Ðông Dương độc lập muôn năm!

- Ðảng Cộng sản Ðông Dương muôn năm!”

Các đồng chí khác cùng hô theo.

Sự hy sinh anh dũng của 10 chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai đã để lại vô vàn tiếc thương và nỗi căm hận cho đồng chí, đồng bào ta. Khí tiết sáng ngời của các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và ý chí quyết thắng của Ðảng bộ, quân, dân Cà Mau không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà còn là ngọn lửa thôi thúc tinh thần chiến đấu của quân, dân ta suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

 

 

Kỷ niệm ngày truyền thống của tỉnh nhà, càng tự hào về thành quả mà Ðảng bộ, quân, dân tỉnh Cà Mau đạt được trong 81 năm qua, chúng ta càng trân trọng và tri ân công lao to lớn của những anh hùng, liệt sĩ, của các bậc tiền nhân và hàng vạn đồng bào đã đổ biết bao công sức, máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của quê hương Cà Mau yêu dấu. Ðể xứng đáng với truyền thống anh dũng của tỉnh nhà, mỗi người Cà Mau hôm nay hãy sống, học tập, lao động, cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước. Hãy đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng Cà Mau ngày càng giàu đẹp, góp tài, góp sức cùng tô đậm thêm trang sử vẻ vang của miền đất cực Nam Tổ quốc. Ngày 13/12 hằng năm là dịp để mỗi chúng ta tự hào và tri ân với tập thể 10 liệt sỹ khởi nghĩa Hòn Khoai anh hùng, mỗi chúng ta càng ý thức sâu sắc hơn bao giờ hết trách nhiệm của mình, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, bằng hành động thiết thực góp phần tích cực xây dựng quê hương thật sự văn minh, giàu đẹp; tiếp tục cùng cả nước đưa sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa vững bước tiến lên, thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, để được mãi mãi xứng đáng với sự hy sinh cao cả của những người con trung kiên, bất khuất./.

 

 

 

 


Tác giả: Lê Châu
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image